Bệnh đau mắt đỏ lây qua những đường nào, làm gì để không bị lây bệnh?

Bệnh đau mắt đỏ có thể lây từ người này sang người khác qua nước mắt và rử ghèn có chứa nhiều mầm bệnh; qua dịch tiết đường hô hấp, dùng chung dụng cụ chưa khử khuẩn...

Chú thích ảnh
Khám mắt cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Ảnh: TTXVN

Ths.BS.Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) lây từ người này sang người khác qua nước mắt và rử ghèn có chứa nhiều mầm bệnh.

Cụ thể, người bệnh hay lấy tay dụi mắt, sau đó tay dính dịch tiết chứa mầm bệnh cầm nắm vào các đồ vật sử dụng chung trong nhà, nơi làm việc, trường học… làm cho người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây. Bệnh đau mắt đỏ cũng có thể lây qua môi trường bể bơi tập thể. Bên cạnh đó, các phòng khám mắt không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh tay và dụng cụ cũng có thể làm lây bệnh từ người này sang người khác.

Đặc biệt, một số dạng viêm kết mạc do virus còn có thể lây bệnh qua đường hô hấp. Ở người bình thường, nước mắt được dẫn lưu xuống mũi qua hệ thống lệ đạo, khi viêm kết mạc, nước mắt chứa yếu tố gây bệnh được dẫn lưu xuống mũi họng. Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí sẽ gây bệnh cho người khác.

Ths.BS.Phùng Thị Thúy Hằng cũng khuyến cáo, hiểu biết về những cách lây bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh bệnh lây lan, cụ thể:

- Người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến nhũng nơi đông người để tránh lây cho người khác.

- Sử dụng đồ vật riêng, không dụi tay lên mắt. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc. Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung phải rửa tay bằng xà phòng trước; sau khi khỏi bệnh cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.

- Không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người.

- Không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng; nồng độ muối và độ pH cũng không thích hợp với mắt. Bên cạnh đó, nước muối tự pha còn thường có lẫn những tạp chất có hại cho mắt.

- Đặc biệt, người bệnh không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt. Người bệnh cần thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng.

- Các phòng khám cần yêu cầu nhân viên thực hiện tốt việc vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Đau mắt đỏ tăng đột biến ở trẻ em
Đau mắt đỏ tăng đột biến ở trẻ em

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện đang vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận lượng bệnh nhân đi khám đau mắt đỏ tăng đột biến, đặc biệt là trẻ em như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hà Tĩnh, Gia Lai...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN