Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tin tức trong ngành

Học +


(07/12/2015 10:42:57)

Những ý kiến trên được lược ghi trong phát biểu tại các cuộc họp, hội nghị tổng kết, sơ kết của ngành và một số đơn vị trong ngành. Thật vui mừng khi thấy người thông tấn đã coi trọng, dành sự quan tâm nhiều hơn tới chuyện học hành. Để giúp mọi người có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về công tác đào tạo bồi dưỡng trong một cơ quan báo chí lớn, chúng tôi xin phác thảo một vài nét về sự học của ngành mình.

Giờ học kỹ thuật dựng hình

 

Dạy thế nào?

Mỗi giai đoạn lịch sử có những cách thức tổ chức việc dạy và học khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay, đơn vị được ngành giao làm công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cũng phải tìm ra hướng tiếp cận sao cho phù hợp với "đặc thù thông tấn" để mang lại hiệu quả nhất. Cơ quan ta có đội quân làm báo đông, sản phẩm thông tin đa dạng, tổ chức các khóa học theo phương pháp cuốn chiếu, "đào tạo theo địa chỉ", đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực công tác được xem là hợp lý hơn cả.

Mô tả một cách nôm na quy trình bồi dưỡng một nhà báo thông tấn thế này. Hầu hết những ai được tuyển dụng vào cơ quan đều được bắt đầu với khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tổng hợp. Thời gian có thể từ một đến ba tháng. Các tân nhà báo được nghiên cứu các lĩnh vực chính trị, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với công tác báo chí; truyền thống tự hào, định hướng phát triển, cơ cấu tổ chức của TTXVN; công tác phóng viên; các nghiệp vụ báo chí cơ bản (tin bài, ảnh, truyền hình). Phần nghiệp vụ báo chí thường chiếm thời lượng 2/3 chương trình khóa học. Giảng viên đa phần là lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo ngành và các đơn vị thông tin, đơn vị chức năng trong ngành. Một số nhà báo giỏi nghề cũng thường được mời đến để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, "truyền lửa" cho lứa phóng viên trẻ.

Kết thúc khóa học, học viên tỏa về làm việc tại các ban biên tập, tòa soạn, trung tâm thông tin hoặc lên đường nhận nhiệm vụ là phóng viên thường trú ở các địa phương. Khi cơ quan có kế hoạch phát triển thêm các loại hình thông tin mới, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn (gọi tắt là Trung tâm) xây dựng chương trình, tổ chức các khóa bồi dưỡng "đón đầu" cho đội ngũ phóng viên. Đáng chú ý là trong bối cảnh cạnh tranh báo chí quyết liệt hiện nay, để có được các sản phẩm thông tin chất lượng, Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới hoặc đào tạo lại, đào tạo nâng cao về kỹ năng với mô hình nhỏ gọn từ 20 đến 25 học viên, tổ chức theo phương pháp cuốn chiếu. Ví như đợt bồi dưỡng về kỹ năng viết tin, bài hiện đại, các lớp được mở liên tiếp khắp ba miền Bắc - Trung - Nam cho PV thường trú ở các địa phương, đan xen là các lớp dành cho PV, BTV ở các ban biên tập tòa soạn báo. Các lớp về kỹ năng làm truyền hình và chụp ảnh báo chí cũng được tổ chức theo cách thức tương tự. Có thể nói, mấy năm qua, các Cơ quan thường trú (CQTT) luôn trong "tình trạng" người đi học, người ở nhà "giữ chốt", luân phiên nhau. PV chuẩn bị đi thường trú nước ngoài cũng nhất thiết phải tham gia các khóa học với phạm vi rộng hơn, cùng với nghiệp vụ thông tin, anh chị em còn học về kỹ thuật, tài chính, công tác văn phòng...

Các lớp học nội bộ thời gian không dài, nhưng mục tiêu rất rõ ràng. Học kỹ năng nên vừa học vừa làm. Giảng viên tinh thông, nhiệt huyết, phương pháp giảng dạy hiện đại nên đã "cuốn" học viên từ "bị động" thành "chủ động" tham gia một cách hào hứng vào quá trình dạy và học.

 

 

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn đón nhận lẵng hoa tươi thắm của Lãnh đạo ngành nhân ngày 20/11/2015

Học ra sao?

Chúng tôi - những người chăm lo mảng công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành không khỏi băn khoăn suy nghĩ khi đôi lần có ý kiến phàn nàn rằng do chúng ta chưa có giáo trình dạy làm tin, chụp ảnh nên ảnh hưởng đến chất lượng thông tin của PV các CQTT cả trong nước và nước ngoài; hoặc cần phải học chụp ảnh bài bản hơn thì thông tin ảnh mới được nâng cao, học dẫn hiện trường kỹ hơn thì PV mới không lúng túng mỗi khi xuất hiện...vv...

Thực tế, để tổ chức các khóa bồi dưỡng về chuyên môn, Trung tâm đều phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ trong việc xây dựng nội dung chương trình, xác định giảng viên. Đáng chú ý, đối với các khóa học về chụp ảnh, làm truyền hình, chương trình được chính Ban biên tập Ảnh, Trung tâm Truyền hình xây dựng và đề xuất giảng viên. Nguyên Trưởng Ban biên tập Ảnh Phạm Tiến Dũng và Phó giám đốc Truyền hình Thông tấn Vũ Duy Hưng trong quá trình sát cánh với Trung tâm luôn khẳng định: "Là đơn vị sử dụng ảnh, sử dụng tin hình của PV nên chúng tôi biết rất rõ anh chị em cần phải học cái gì và học như thế nào".

Chính vì vậy tất cả các lớp học đều có chương trình, nội dung học sát thực, phù hợp với cả hai phía: Người học và đơn vị quản lý, sử dụng thông tin. Giảng viên là các nhà báo có kinh nghiệm trong và ngoài ngành tham gia. Đặc biệt, trong ba năm qua, Trung tâm đã tổ chức được 6 lớp học về ảnh báo chí, truyền hình, thiết kế trang báo mà giảng viên là các chuyên gia, nhà báo đến từ các tổ chức báo chí, trường đại học có uy tín của Pháp, Bỉ và hãng thông tấn AFP. Như vậy sự học của PV, BTV được đi theo con đường từ học kiến thức cơ bản đến nâng cao với giảng viên là các nhà báo trong ngành, ngoài ngành và các chuyên gia nước ngoài. Thiết nghĩ việc dạy và học nghiệp vụ được tổ chức như vậy là khoa học và phù hợp với yêu cầu của cơ quan thông tấn. Trong phát biểu khai mạc một khóa học nghiệp vụ truyền hình tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Dương đã ghi nhận: "Nhờ có các khóa học được tổ chức liên tục, bài bản đã giúp PV thường trú của TTXVN từ đơn thuần viết tin chuyển sang tác nghiệp đa năng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển thông tin đa phương tiện của ngành".

 

 

Giờ học thực hành thiết kế trang báo

Cần sự đồng thuận từ nhiều phía

Chia sẻ với suy nghĩ và mong muốn của số đông PV, BTV thông tấn, những người được giao làm công tác đào tạo cũng có nhiều trăn trở cho những hướng đi mới. Trước hết, Trung tâm cùng với Ban Tổ chức cán bộ tổ chức (hoặc cử đi học) các khóa tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, quản lý nhà nước để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ công chức hoàn thiện chức danh công tác; phối hợp với các đơn vị chức năng mời chuyên gia tới trao đổi, giúp cập nhật các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Các lớp tập huấn cho anh chị em làm công tác văn phòng, lái xe, phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão... cũng được Văn phòng cơ quan phối hợp mở đều đặn hàng năm. Song, ưu tiên hàng đầu vẫn là các lớp học nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên báo chí thông tấn.

Tuy nhiên, chính sách, kinh phí và định mức chi tiêu của Bộ Tài chính trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng đối với các cơ quan nhà nước tuy đã có sự đổi mới bước đầu nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình hiện nay khiến các bộ, ban, ngành, trong đó có TTXVN gặp không ít khó khăn. Thực tế, nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho công tác đào tạo quá hạn hẹp. Hai năm gần đây, mỗi năm TTXVN được cấp 700 triệu đồng chi cho lĩnh vực này, nhưng riêng việc chi trả cho các khóa học để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ (chính trị cao cấp, trung cấp, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, bồi dưỡng thi nâng ngạch PV, BTV, CV chính...) đã "ngốn" hết 2/3 số kinh phí này. Để tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho một đội ngũ cán bộ trên hai nghìn người thì số tiền còn lại như "muối bỏ bể". Được biết, trước thực tế này, lãnh đạo ngành và đơn vị "tay hòm chìa khóa" của ngành là Ban Kế hoạch Tài chính đang tính cách để có thể san sẻ thêm kinh phí cho công tác đào tạo bồi dưỡng, có vậy mới đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực .

Để sự học thăng hoa cần có sự chung tay từ nhiều phía, trong đó quan trọng nhất vẫn là tự học, tự hoàn thiện của mỗi cá nhân, tự đào tạo theo kiểu "cầm tay chỉ việc" tại chính các đơn vị công tác. Thật vui khi nhà nhà cùng chăm lo cho việc học. "Học, học nữa, học mãi" luôn là sự nghiệp của toàn ngành thông tấn chúng ta.

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm BDNV thông tấn đã tổ chức được trên 100 lớp đào tạo, bồi dưỡng về các lĩnh vực, trong đó có 60% là các khóa học về kỹ năng làm báo đa phương tiện. Chọn hướng tiếp cận phù hợp với mô hình hoạt động của ngành, đảm bảo cho PV, BTV vừa học vừa làm, bồi dưỡng dần từng kỹ năng báo chí thông tấn từ cơ bản tới nâng cao theo kiểu "đi tắt, đón đầu" là cách tổ chức đào tạo bồi dưỡng đúng hướng.

Thực tế cho thấy, tác nghiệp đa năng tuy vất vả nhưng cũng là cơ hội để phóng viên tự rèn luyện, thể hiện năng lực của mỗi người. Học làm báo "3 trong 1" nhưng không phải sự kiện nào cũng nhất thiết đưa đủ cả 3 loại hình thông tin (tin văn bản, ảnh và tin hình). PV cần ưu tiên làm tin văn bản trước, để thực hiện chức năng của cơ quan thông tấn nhà nước. Chụp ảnh hay đưa tin hình còn phụ thuộc vào tính chất và tầm quan trọng của sự kiện. Ba loại hình thông tin này luôn bổ trợ cho nhau để tăng hiệu quả thông tin.

"Có thể nói, chuyển tư duy của PV các cơ quan thường trú từ chuyên viết tin sang tác nghiệp đa năng là một cuộc cách mạng của toàn ngành, trong đó có sự đóng góp tích cực của công tác đào tạo bồi dưỡng", Phó TGĐ Nguyễn Hoài Dương khẳng định.

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 10/2015) (05/11/2015 14:22:54)

Xây dựng Tổ hợp truyền thông đa phương tiện với nền tảng kỹ thuật - công nghệ thông tin mạnh & hiện đại (04/11/2015 15:13:04)

Sôi nổi hoạt động chào mừng ngày vui của ngành thông tấn (03/11/2015 14:32:29)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 9/2015) (12/10/2015 15:40:16)

Hội nghị cán bộ toàn ngành TTXVN năm 2015: Xây dựng TTXVN trở thành tổ hợp truyền thống đa phương tiện mạnh (09/10/2015 15:34:31)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 8/2015) (16/09/2015 15:33:29)

Những điểm sáng trong phong trào thi đua (16/09/2015 10:34:08)

Đoàn kết phấn đấu, hăng hái thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. (16/09/2015 10:15:34)

Nhiều hoạt động ý nghĩa mừng "sinh nhật" ngành (15/09/2015 11:19:04)

TTXVN có những cán bộ và truyền thống vô cùng quý báu (15/09/2015 10:51:36)