Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tin tức trong ngành

Hội nghị cán bộ toàn ngành TTXVN năm 2015: Xây dựng TTXVN trở thành tổ hợp truyền thống đa phương tiện mạnh


(09/10/2015 15:34:31)

Hội nghị cán bộ toàn ngành TTXVN năm 2015 diễn ra tại Hà Nội, ngay sau Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành (từ ngày 15 - 17/9). Hội nghị tập trung phân tích, bàn thảo, hoạch định các giải pháp, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng TTXVN trở thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Các đồng chí nguyên lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ, lãnh đạo các đơn vị, ban biên tập, tòa soạn báo, các trưởng CQTT trong và ngoài nước tham dự hội nghị.

Trong ba ngày làm việc, hội nghị đã đánh giá lại những kết quả đã đạt được trên tất cả các mặt công tác của ngành trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là công tác thông tin, chỉ ra những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế và nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển tiếp theo; đồng thời thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với ngành trong 10 - 15 năm tới, góp phần hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển TTXVN đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Hội nghị đã chia ba phiên thảo luận về ba chủ đề lớn: Thực hiện chức năng thông tấn nhà nước, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thông tin; Phát triển mạnh thông tin đa phương tiện, thực hiện tái cơ cấu các sản phẩm thông tin; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, tài chính vững vàng.
 

            Hoàn thành tốt chức năng thông tấn nhà nước, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thông tin

Phát biểu đề dẫn tại phiên họp thứ nhất của hội nghị, Phó Tổng giám đốc (PTGĐ) Nguyễn Hoài Dương khẳng định: Chức năng thông tấn nhà nước là thuộc tính căn bản và riêng có của TTXVN trong hệ thống báo chí nước nhà. Thời gian qua, việc triển khai nhiệm vụ thông tin chiến lược và thông tấn nhà nước của ngành đã thực sự có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, PTGĐ cho rằng: Cần xác định lại vị trí chiến lược về thông tin của ngành, huy động toàn lực lượng, nhất là các PV thường trú trong và ngoài nước, bám sát cuộc sống, tìm hiểu sâu về những vấn đề nảy sinh tại địa bàn, các nguồn thông tin, tài liệu tin cậy để cung cấp những tin tức, báo cáo mang tính tham khảo chiến lược. Về chức năng phản bác - chức năng riêng có của TTXVN - cần chủ động phản ứng, kịp thời thực hiện thông qua việc tăng cường theo dõi, phát hiện những vấn đề, sự kiện bị các cơ quan báo chí, các thế lực thù địch cố tình đưa sai sự thật. Về chức năng định hướng dư luận, cần tiếp tục nắm vững và phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời và đúng đắn những chủ trương, chính sách của Đảng trên các lĩnh lực. Về chức năng thông tin nguồn, TTXVN cần đảm bảo đưa tin chính xác, kịp thời, cung cấp bằng tất cả các loại hình thông tin hiện có; nghiên cứu cho ra đời bản "Tin nhanh Thông tấn" cung cấp dịch vụ breaking news phục vụ đông đảo đối tượng sử dụng các thiết bị thông minh.

Thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, nhiều ý kiến cho rằng, đứng trước yêu cầu của sự phát triển, thông tin của TTXVN nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành, chưa thực sự giữ vai trò định hướng đối với hệ thống báo chí cả nước.

Là lãnh đạo đơn vị thông tin nguồn trụ cột, Trưởng Ban biên tập (BT) tin Trong nước Hà Mai An cho rằng công tác chỉ đạo, điều hành thông tin ở các cấp dù đã có đổi mới nhưng chưa thực sự hiệu quả, nhạy bén, ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa chủ động; công tác biên tập chưa giúp nâng cao chất lượng thông tin; việc xử lý thông tin chưa nhanh. Do đó, để thông tin TTXVN giữ vai trò chủ lưu, chính thống, các đơn vị thông tin nguồn cần tránh nhiều tầng nấc trung gian, đảm bảo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo thông tin và tiếp nhận, xử lý thông tin. Đối với các sự kiện, vấn đề, cần huy động sự phối hợp tham gia của các đơn vị thông tin nguồn và cơ quan thường trú trong nước, thống nhất đầu mối điều phối thông tin theo chỉ đạo của lãnh đạo ngành. Đối với thông tin "nóng", mang tính cạnh tranh cao, cần rút ngắn thời gian xử lý qua các khâu hoặc phân cấp về thẩm quyền phát tin khi cần thiết.

Trưởng Ban Thư ký BT Vũ Việt Trang nhấn mạnh vào công tác chỉ đạo, điều hành thông tin. Công tác này thực hiện theo cơ chế hai chiều, song chủ yếu mới chỉ phát huy hiệu quả ở một chiều từ trên xuống dưới; càng xuống cấp thấp hơn thì tính chủ động càng bị hạn chế, trong khi cấp trên cần kịp thời nhận được các báo cáo, phản hồi về kết quả, quá trình thực hiện để nắm bắt tình hình và tiếp tục chỉ đạo thông tin. Ở chiều ngược lại, việc phát hiện sự kiện, vấn đề ở cấp cơ sở rồi báo cáo lên các cấp trên để tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Đề cập đến mảng tin báo cáo, tham khảo - tài liệu quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trưởng Ban BT tin Thế giới Đoàn Tuyết Nhung cho rằng: Cần tăng cường các bài tổng hợp, phân tích chuyên sâu và có tính dự báo cao; tích cực phỏng vấn các chuyên gia, học giả nước ngoài về các vấn đề trong nước và quốc tế. Tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của TTXVN là có hệ thống cơ quan thường trú tại 30 địa bàn ở nước ngoài để có những thông tin báo cáo, tham khảo có giá trị và mang tính độc quyền. Mỗi PV thường trú cần trở thành chuyên gia về địa bàn hoặc khu vực do mình phụ trách.

Trưởng Ban BT tin Đối ngoại Đỗ Văn Hợp đề xuất nhóm 6 giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền đối ngoại, gồm: Thành lập nhóm chuyên trách về bình luận, thông tin chuyên sâu, thông tin phản bác, phản biện; thuê chuyên gia có trình độ cao; hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phổ biến các sản phẩm thông tin bằng tiếng nước ngoài; mở thêm các bản tin nguồn tiếng Arab và tiếng Nga; đẩy mạnh tái cơ cấu nội bộ và tăng cường các loại hình thông tin mới; xây dựng Cổng thông tin điện tử miễn phí, tích hợp toàn bộ các sản phẩm thông tin của TTXVN.

Nhấn mạnh đến sự phối hợp trong công tác thông tin giữa các đơn vị trong ngành, Tổng biên tập báo (TBT) Việt Nam News Trịnh Thanh Thủy khẳng định: Mỗi đơn vị nếu không làm tốt công việc sẽ như một mắt xích yếu gây hậu quả chung cho cả hệ thống. Việc trang web của Việt Nam News bị ngừng hoạt động trong nửa ngày gần đây do cơ quan chưa nộp tiền mà tòa soạn rất khó can thiệp là một ví dụ
 
Phát triển mạnh thông tin đa phương tiện, tái cơ cấu các sản phẩm thông tin

Điều hành phiên họp thứ hai của hội nghị, PTGĐ Lê Duy Truyền nhấn mạnh: Trong xu thế chung của khối báo chí xuất bản, sản lượng in ấn của các tờ báo giấy giảm sút, dẫn đến doanh thu phát hành cùng quảng cáo giảm theo. Nhiều tòa soạn trước đây mang lại nguồn thu lớn cho ngành như Việt Nam News, Thể thao&Văn hóa, thì nay gần như không còn đóng góp. Các trang báo điện tử của ngành "trăm hoa đua nở", rất cần được rà soát, quy hoạch, tránh phân tán để theo kịp xu thế báo chí ở Việt Nam và thế giới.

Để đối phó với tình trạng trên, TBT báo Thể thao&Văn hóa Lê Xuân Thành đề xuất lộ trình: Tiếp tục duy trì các ấn phẩm báo in theo hướng tái cơ cấu hình thức và nội dung; phát triển và nâng cấp trang thông tin điện tử thethaovanhoa.vn; thúc đẩy, tổ chức các sự kiện, giải thưởng, hoạt động cộng đồng để tăng nguồn thu; đẩy mạnh sản xuất các gói sản phẩm thông tin đa phương tiện; đẩy mạnh xã hội hóa, tìm kiếm đối tác phù hợp trong việc hợp tác kinh doanh, đầu tư, khai thác tài nguyên thông tin và giá trị thương quyền của báo Thể thao&Văn hóa. Còn TBT bản tin Khoa học và Công nghệ Bùi Văn Doanh khẳng định: Riêng với bản tin Khoa học và Công nghệ, nếu phát hành và quảng cáo không đủ bù chi thì tòa soạn sẽ chủ động đề xuất với Ban lãnh đạo cơ quan xin bỏ báo giấy để chuyển hẳn sang báo điện tử.

Tuy vậy, lãnh đạo cơ quan cho rằng các giải pháp này chưa có tính đột phá mà chỉ là những cố gắng duy trì báo in cho đến khi không thể phát hành nữa thì mới thôi. Nếu vậy, ngành vẫn tiếp tục bị phân tán nguồn lực cho những sản phẩm không hiệu quả. Khi mỗi tờ báo giấy đang khó khăn lại nuôi thêm một trang điện tử (lượng truy cập khiêm tốn, chưa có nguồn thu khả quan) nữa, thì rõ ràng không phải là phương án tối ưu.

Đại diện cho các tờ báo được nhà nước đặt hàng, TBT báo Tin Tức Nguyễn Quang Vinh bày tỏ mong muốn: Giai đoạn 2016-2020, TTXVN cần tiếp tục vận động, kiến nghị nhà nước duy trì các ấn phẩm đang được bao cấp, đặt hàng, nhằm phục vụ mục đích chính trị. Trong trường hợp nhà nước không tiếp tục cơ chế đặt hàng, mỗi "phương tiện truyền thông" cần xác định ít nhất một đại diện mạnh, phải duy trì, để khẳng định vị thế của một hãng thông tấn quốc gia và lựa chọn cơ chế phù hợp cho từng đơn vị đó.

Về đề xuất này, Ban lãnh đạo cơ quan cho rằng, để bảo vệ đề án trước các bộ, ngành chính phủ nhằm duy trì ngân sách nhà nước, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng nội dung ấn phẩm.

Đề xuất ra thêm một số sản phẩm thông tin mới dựa trên lợi thế riêng có của TTXVN như "Tin vài dòng", "Tin nhanh thông tấn" hoặc ra "Trang tin tức tham khảo" kết hợp cả ba bản tin tham khảo của Ban biên tập tin Thế giới đưa ra tại hội nghị, được đánh giá là những đề xuất tốt, có thể làm đề án để lãnh đạo xem xét.

Về thông tin điện tử, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chủ trương giảm bớt số lượng trang web để đầu tư thích đáng cho một số trang phát triển mạnh. Ban lãnh đạo cơ quan "chốt" rằng, sẽ có cuộc họp bàn sâu về vấn đề này.
        Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, tài chính vững vàng          

Phát biểu đề dẫn tại phiên họp thứ ba, PTGĐ Đinh Đăng Quang đánh giá: Lĩnh vực kỹ thuật của TTXVN vẫn còn nhiều bất cập. Cơ chế tài chính của ngành dường như không còn tương thích với mô hình hiện tại; phân bổ các nguồn lực tài chính còn dàn trải, chưa theo chất lượng, hiệu quả thông tin. Để phù hợp với yêu cầu mới, ngành cần nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quảng cáo, kinh doanh và các chức danh chuyên ngành truyền hình, đồ họa.

Đề cập đến công tác tổ chức cán bộ, là người nhiều năm gắn bó với công tác thường trú tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Trưởng CQTT Điện Biên Chu Quốc Hùng đau đáu: Ngành cần thực hiện nghiêm túc chính sách luân chuyển cán bộ, qua đó chữa căn bệnh "địa phương hóa" đang tồn tại trong nhiều PV thường trú. Còn Trưởng CQTT Khánh Hòa Phan Tiên Minh đặt vấn đề gánh nặng công việc đang ngày càng tăng lên, nặng nề hơn khi phóng viên thực hiện làm báo đa phương tiện, trong khi nhân lực cho khối thường trú trong nước không được bổ sung, tại sao khó điều động người từ Tổng xã tăng cường cho các CQTT?

Lo ngại trước việc công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ còn tình trạng "bị động", nhất là đào tạo PV thường trú ngoài nước, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Ngô Thị Hồng Thanh đề xuất, ngành cần có kế hoạch sắp xếp, bố trí PV đi thường trú ngoài nước một cách khoa học, "dài hơi" để Trung tâm chủ động phối hợp với các đơn vị khác trong ngành trong việc bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho PV. Về kinh phí đào tạo, đồng chí chia sẻ thông tin, trong khi kinh phí do nhà nước cấp đang giảm xuống thì việc dành phần lớn kinh phí cho các hoạt động đào tạo theo chức danh đã làm cho quỹ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bị thu hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ.

Xác định xây dựng tổ hợp truyền thông đa phương tiện thì nền tảng kỹ thuật- công nghệ thông tin phải mạnh và hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển các loại hình thông tin mới, nhiều ý kiến đã tập trung góp ý cho các vấn đề kỹ thuật công nghệ. Nhiều CQTT phàn nàn về chất lượng trang thiết bị, phương tiện làm việc, không ít PV thường trú phải bỏ tiền túi để tự trang bị hoặc nâng cấp máy móc nhằm tăng chất lượng, hiệu quả công việc. Trưởng CQTT Moskva (LB Nga) Bùi Duy Trinh cho biết, hiện chưa có phần mềm quảng bá ở nước ngoài để mọi người có thể tiếp cận với các sản phẩm, đặc biệt là truyền hình, của TTXVN. Đồng quan điểm, Trưởng CQTT Kiên Giang Lê Huy Hải khẳng định, không chỉ ở nước ngoài, ngay tại Kiên Giang, người dân hầu như không xem được kênh Truyền hình Thông tấn.

Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nguyễn Tuấn Hùng lý giải cho các hạn chế trên: Chúng ta không có sự ưu tiên tập trung cho sản phẩm mũi nhọn, việc cùng lúc đưa ra quá nhiều sản phẩm thông tin mới (đồ họa, audio, video) trong điều kiện mức đầu tư cũng như nguồn nhân lực có hạn nên đã không duy trì được sản phẩm thông tin có chất lượng cao. Tại thời điểm đưa ra các sản phẩm thông tin này, việc sử dụng thông tin đa phương tiện còn nhiều khó khăn do tốc độ đường truyền và số lượng người sử dụng Internet thấp, các thiết bị di động hỗ trợ thông tin đa phương tiện còn hạn chế.

Về công tác tài chính và kinh doanh- dịch vụ, báo cáo của Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính Trần Cẩm Bình cho thấy, nguồn lực tài chính cho công tác đầu tư phát triển, cho hoạt động thường xuyên của ngành quá hạn hẹp, chủ yếu chi cho con người. Doanh thu giảm, nhất là nguồn thu từ báo giấy, nguồn thu sự nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của ngành và chưa ổn định. Vốn đầu tư phát triển mới đáp ứng 50% nhu cầu của ngành, trong đó tập trung hầu hết vào các dự án xây dựng cơ bản, số đầu tư cho phát triển kỹ thuật và truyền hình chỉ chiếm rất ít. Giai đoạn tới, nguồn lực tài chính càng khó khăn hơn do phải tiết giảm kinh phí theo chủ trương của Chính phủ, nguồn thu từ báo giấy và quảng cáo sẽ giảm hơn nữa, thu từ cơ sở vật chất chỉ có mức độ do đã khai thác gần hết...

Bàn về lĩnh vực tài chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển truyền thông Trần Ngọc Đình và TBT Tin Tức Nguyễn Quang Vinh cùng yêu cầu rà soát lại, có cơ chế ràng buộc để các thỏa thuận truyền thông mà TTXVN đã ký kết với các bộ ngành, địa phương phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, đem lại nguồn thu cho cơ quan.
 

định hướng cho giai đoạn tiếp theo, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi cho rằng: Trước hết, TTXVN phải "mạnh" về thông tin. TTXVN phải thực hiện thật tốt chức năng thông tấn nhà nước trên cả 4 nội dung: chức năng thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước; chức năng phản hồi thông tin; chức năng định hướng thông tin và chức năng ngân hàng tin của hệ thống truyền thông.

Thứ hai, TTXVN phải thực sự "mạnh" về kỹ thuật-công nghệ, bởi đối với một hãng thông tấn thì kỹ thuật đóng vai trò quyết định đến chất lượng thông tin. Kỹ thuật của ngành cần phải đi trước, đón đầu xu hướng phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, không thể cứ "chạy theo" như lâu nay.

Thứ ba, TTXVN phải có nguồn nhân lực "mạnh", với nghĩa đảm bảo về cơ cấu, số lượng và chất lượng theo yêu cầu phát triển công tác thông tin và các mặt công tác khác.

Thứ tư, TTXVN phải có nguồn lực tài chính "mạnh" , tức là tài chính phải ổn định lâu dài và đáp ứng được yêu cầu về đổi mới thông tin, đổi mới kỹ thuật công nghệ của ngành. Tài chính mạnh cũng có nghĩa là phải đảm bảo được thu nhập ổn định để PV, biên tập viên có thể yên tâm sống vì nghề, gắn bó lâu dài với cơ quan.

Đánh giá về hệ thống CQTT - thế mạnh của TTXVN - nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý chỉ đạo thông tin nói chung và với các CQTT nói riêng, vẫn còn chồng chéo, nhiều tầng nấc, thiếu đầu mối; hầu hết CQTT trọng điểm chưa phát huy được vai trò của mình, mà phần nhiều là do vướng mắc về cơ chế. Mặc dù CQTT ngoài nước là lợi thế rất lớn của ngành nhưng hiệu quả lại chưa được như mong muốn.

Trước rất nhiều băn khoăn về việc tái cấu trúc các sản phẩm thông tin của ngành, PTGĐ Lê Duy Truyền khẳng định: Đây không chỉ là vấn đề của khối tòa soạn mà cả các ban biên tập. Những sản phẩm hiệu quả thông tin thấp, không còn khả năng bù đắp chi phí thì dứt khoát chuyển hướng, để tập trung nhân lực, tài chính cho các sản phẩm thông tin mới, cho báo điện tử, truyền hình và đặc biệt là thông tin nguồn. Ban lãnh đạo cơ quan cùng các đơn vị chức năng sẽ bàn kỹ về việc này để có lộ trình và giải pháp cụ thể, tránh gây nên những xáo trộn lớn cho các đơn vị.
Đề xuất các giải pháp tài chính, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính Trần Cẩm Bình cho rằng: Cần nghiên cứu phương án thành lập một đơn vị duy nhất trong toàn ngành phụ trách toàn bộ hoạt động kinh tế báo chí, tập trung nguồn thu toàn ngành và điều phối lại cho các đơn vị; đánh giá thực trạng để từ đó đề ra những định hướng phát triển mới trong việc thực hiện các hợp đồng hợp tác truyền thông có thu, trong công tác xuất bản và phát hành báo, bản tin in và cả thông tin điện tử, truyền hình; trong việc cho thuê diện tích dôi dư góc độ toàn ngành (gồm cả các CQTT trong và ngoài nước)...
 

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi khẳng định, phương thức làm việc của PV, biên tập viên và các đơn vị cần phải thay đổi. Đối tượng phục vụ của TTXVN giờ đây không chỉ là các đơn vị báo in, phát thanh, truyền hình mà còn có các báo điện tử. Vì thế, thông tin thông tấn phải online, chạy đua từng phút, cập nhật, bổ sung liên tục. Thông tin nguồn của TTXVN không chỉ là câu chuyện của 5 ban biên tập bởi việc đa dạng hóa loại hình thông tin, xuất hiện thêm thông tin truyền hình và đồ họa. Việc cung cấp thông tin nguồn cần theo phương thức: Cung cấp thông tin khách hàng cần, tăng cường cung cấp gói thông tin theo nhu cầu khách hàng.

Tổng giám đốc đồng ý rằng, cần lập một cổng thông tin điện tử của ngành, từ đó, khách hàng có thể đi vào các trang web của từng tòa soạn. Đây là sự thống nhất trong sự đa dạng. Trung tâm Kỹ thuật và các đơn vị cần bàn bạc, nghiên cứu kỹ lưỡng việc này. Việc phát triển thông tin cho các thiết bị cầm tay cần được xây dựng lâu dài trong tương lai.

Tổng giám đốc cũng yêu cầu Ban Tổ chức cán bộ cần chủ động, tiếp thu ý kiến tại hội nghị, sớm có những giải pháp cho nhữn vấn đề có thể thực hiện được ngay, như việc đổi mới công tác thi tuyển, đánh giá cán bộ, luân chuyển cán bộ, bổ sung nhân lực cho CQTT còn thiếu người... trình Ban lãnh đạo cơ quan xem xét để sớm ban hành. Về kinh phí đào tạo, Tổng giám đốc đặt câu hỏi "Các hoạt động đào tạo để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, thi nâng ngạch, nên chăng do công chức, viên chức tự trang trải hoặc trang trải một phần?".

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 8/2015) (16/09/2015 15:33:29)

Những điểm sáng trong phong trào thi đua (16/09/2015 10:34:08)

Đoàn kết phấn đấu, hăng hái thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. (16/09/2015 10:15:34)

Nhiều hoạt động ý nghĩa mừng "sinh nhật" ngành (15/09/2015 11:19:04)

TTXVN có những cán bộ và truyền thống vô cùng quý báu (15/09/2015 10:51:36)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 7/2015) (05/08/2015 16:07:56)

Cho dòng tin chảy mãi... (05/08/2015 15:04:00)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 6/2015) (07/07/2015 15:34:20)

Chuẩn bị cho một sự kiện “chưa có tiền lệ”  (07/07/2015 10:57:51)

Đại hội đại biểu liên Chi hội Nhà báo TTXVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 -2020: Đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. (07/07/2015 10:09:01)