Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tin tức trong ngành

Nhìn lại một quá khứ hào hùng


(08/05/2015 14:46:09)

Ngày 24/4/2015, tại Trung tâm Thông tấn quốc gia đã diễn ra cuộc tọa đàm "Tác nghiệp của phóng viên chiến trường" (một sự kiện trong khuôn khổ chuỗi hội thảo quốc tế "Báo chí về đề tài chiến tranh" do Hội Nhà báo VN, TTXVN, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Báo Quân đội Nhân dân và Truyền hình Viettel phối hợp tổ chức). Đây là dịp để chúng ta nhìn lại một quá khứ hào hùng.

 

 

Không một chiến trường nào vắng mặt phóng viên Thông tấn

Từ cuối năm 1964, khu Bốn- mảnh đất eo hẹp, nơi có những con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam trở thành "tọa độ" lửa đọ sức giữa ta và Mỹ. Nhà báo Chu Chí Thành, lúc đó là phóng viên ảnh VNTTX, có mặt tại khu Bốn trong những ngày ác liệt nhất, nhớ lại: "Khu Bốn lửa đạn ngút trời. Tôi đạp xe vượt 500km (từ Hà Nội đến Vĩnh Linh-PV). Đêm ấy gặp Đoàn cao xạ Sông Gianh đánh trả máy bay địch. Quẳng xe bên đường lao vào trận địa, tôi để máy tốc độ chậm, cũng không có chân máy gì cả, ghì máy vào trán mà ghi lại cảnh chiến đấu này". Cứ thế, ông lăn lộn khắp "tuyến lửa" khu Bốn trong những năm 1967 - 1973: "Bộ đội pháo cao xạ, bộ đội vận tải, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong ở khu Bốn trở thành bạn của tôi; ăn ở, trực chiến với họ, chụp ảnh họ sống, làm việc và chiến đấu".

Cách đây ba năm, cũng chính nhà báo Chu Chí Thành đã cùng với gia đình nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (hy sinh ở mặt trận Quảng Trị năm 1972) và một số đồng nghiệp cho ra đời cuốn sách ảnh "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" với gần 200 bức ảnh chọn lọc từ hàng vạn bức ảnh của nhà báo Lương Nghĩa Dũng. Trong bài mở đầu cuốn sách, ông Chu Chí Thành viết: "Lần theo các bức ảnh, người xem không khỏi ngạc nhiên về sức làm việc kinh khủng của anh. Dồn dập trong 6 năm, Nghĩa Dũng đi hàng vạn cây số, khi thì bám xe vận tải quân sự, khi thì đạp xe, khi thì đi bộ... Ống kính máy ảnh của anh thường xuyên bị ám khói bom đạn và mùi thuốc nổ, thậm chí nó còn bị đất cát vùi lấp hoặc văng lên trời theo người anh do sức ép của bom, tên lửa hoặc đạn pháo..."

Còn nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng giám đốc TTXVN), việc được cơ quan điều động vào mặt trận cùng nhà báo Lâm Hồng Long trong tổ cơ động cuối cùng để tăng cường cho mặt trận Huế đã trở thành cơ hội để được "trải qua những khoảnh khắc không thể nào quên". Sau một đêm dài hành quân, được chứng kiến thành phố Huế buổi sớm ngày giải phóng đẹp như mơ, ông đã viết bài ghi nhanh đầu tiên "Huế đỏ cờ bay..." trong hơn một giờ đồng hồ với tâm trạng xúc động. Sau Huế, đến Đà Nẵng, hội quân cùng "tổ mũi nhọn", theo lệnh của lãnh đạo ngành, không thể ngờ rằng, ít ngày sau đó, mình lại có cơ hội đến tận cửa ngõ Sài Gòn! Đây chính là cơ duyên để ông ghi lại hình ảnh Dinh Độc Lập trong một thời điểm lịch sử không thể nào quên trong bức ảnh nổi tiếng "Xe tăng Quân Giải phóng chiếm Dinh Độc Lập".

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi

Tôi muốn dành đôi lời nói riêng về đội ngũ phóng viên chiến trường của TTXVN. Trong một bài báo viết năm 1995, nguyên TGĐ TTXVN Đỗ Phượng có nói rằng, cơ quan chúng tôi "là một thông tấn xã làm chiến tranh". Nói như vậy là bởi vào thời điểm năm 1995, khi TTXVN tròn "50 tuổi" thì đã có đến 30 năm phục vụ cho chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Và một khi "thông tấn xã làm chiến tranh" thì các nhà báo thông tấn hiển nhiên gánh vác nhiệm vụ chiến đấu bằng những vũ khí đặc thù nghề nghiệp, ấy là ngòi bút, máy ảnh...

... Rất đau đớn với con số hơn 260 phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, kỹ thuật viên ngành thông tấn đã hy sinh trên các chiến trường, nhưng chúng tôi cũng tự hào rằng, đội quân chiến sĩ báo chí thông tấn là một bộ phận không thể thiếu trong các binh chủng hợp đồng làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta thời chống Mỹ cứu nước.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, VNTTX đã cử vào chiến trường gần 450 người là cán bộ chủ chốt, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật cùng hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên từ miền Bắc theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Phóng viên TTX đã xông pha vào những địa bàn nóng bỏng, gian khổ nhất, từ Hàm Rồng (Thanh Hóa), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đến Quảng Bình, miền đất lửa Vĩnh Linh, đường mòn Hồ Chí Minh... để ghi lại hình ảnh chiến đấu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta. Bám sát các đơn vị bộ đội chủ lực, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên thông tấn. Và nhiều tấm ảnh, bản tin của VNTTX đã trở thành biểu tượng lịch sử.

 

Những lát cắt từ cuộc chiến

Ngày 24/4/2015, Trung tâm Thông tấn quốc gia số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội - nơi cách đây hơn 40 năm diễn ra biết bao cuộc chia ly, tiễn đưa những người đồng chí, đồng nghiệp, những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, lái xe Thông tấn vào mặt trận, lại đón gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nhà báo chiến trường đến tham dự cuộc tọa đàm "Báo chí về đề tài chiến tranh - Tác nghiệp của phóng viên chiến trường".

Có mặt tại cuộc tọa đàm, hơn 20 cựu phóng viên chiến trường của TTXVN, báo Quân đội Nhân dân, báo Tiền Phong... và các giảng viên, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan báo chí, nhà báo trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ phương thức tác nghiệp, những trải nghiệm, ký ức và cả những góc nhìn của riêng mình về cuộc chiến. Trong suốt cuộc trường chinh của dân tộc, những nhà báo cách mạng luôn có mặt ở những nơi gian nan nhất, ác liệt nhất, đương đầu với mọi hy sinh, gian khổ, truyền đi những thông tin trung thực từ những vùng đất nóng bỏng đạn bom, góp phần cổ vũ, động viên và làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước. Dẫu chỉ là những lát cắt nhỏ, rất nhỏ, về những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, những nhà báo-người lính cách mạng tham dự cuộc tọa đàm mang đến những cái nhìn trung thực về một thời đạn bom, một thời hào hùng của đất nước. Các trao đổi, phát biểu của các nhà báo, nhà nghiên cứu quốc tế góp phần làm sâu sắc thêm những cái nhìn về chiến tranh, trong đó có các cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Hơn 40 tác phẩm ảnh báo chí của các nhà báo chiến trường, trong đó có một số của tác giả nước ngoài, được trưng bày bên lề cuộc tọa đàm đã ghi lại những khoảnh khắc đỉnh điểm, không chỉ của sự kiện, của cảm xúc mà còn cả của sự dấn thân- phẩm chất không thể thiếu của những nhà báo chiến trường.

Không phải ngẫu nhiên TTXVN được chọn làm nơi diễn ra cuộc tọa đàm "Tác nghiệp của phóng viên chiến trường", trong những ngày tháng kỷ niệm 40 năm Đại thắng Mùa Xuân, bởi đây là cơ quan báo chí duy nhất có tới hơn 260 cán bộ, phóng viên, nhân viên đã ngã xuống (khoảng một phần tư biên chế của TTX thời chiến), chiếm hơn một nửa số nhà báo liệt sĩ của cả nước. Máu đỏ của các nhà báo chiến trường đã thấm đẫm trong mỗi dòng tin, bức ảnh, mỗi bài viết thông tấn.

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 3/2015) (03/04/2015 16:09:06)

Đào tạo báo chí trong lĩnh vực kinh tế (03/04/2015 15:14:11)

Công ty In - Thương mại TTXVN: Bước tiến mới cùng chứng chỉ ISO (03/04/2015 10:08:52)

Tự hào là "dân Thông tấn" (03/04/2015 09:34:16)

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện sách 70 năm Thông tấn xã Việt Nam (02/04/2015 15:44:11)

Năm sản phẩm thông tin mới - bước tiến mới của TTXVN (02/04/2015 15:38:58)

Thi đua khen thưởng (13/02/2015 16:26:07)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 1+2/2015) (13/02/2015 16:23:42)

Nhà báo - anh là ai? (13/02/2015 15:37:39)

70 năm TTXVN: Sơ kết Cuộc vận động sáng tác ca khúc về TTXVN (13/02/2015 10:42:06)