Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tin tức trong ngành

Nhà báo - anh là ai?


(13/02/2015 15:37:39)

Nhà báo - anh là ai? Trả lời câu hỏi này tưởng chừng dễ mà không dễ. Đối với cánh nhà báo lớn tuổi như tôi (đã có thâm niên ba mươi tư năm trong TTXVN) nhiều lúc cũng tự chất vấn mình là nhà báo thực thụ chưa nhỉ?

Hai nhà báo Nhan Sinh và Cao Tân Hòa đi công tác vùng cao Mộc Châu (Sơn La)

 

Nhớ lại thời còn là sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi tốt nghiệp ra trường khóa 1976- 1980, thấy TTXVN có chỉ tiêu nhận phóng viên, tôi đăng ký với nhà trường về đó công tác, nào có biết công việc làm báo ra sao. Trong ý niệm của mình, thấy nhà báo được lang thang đi đây đi đó, lủng lẳng máy ảnh, máy ghi âm là thích; người có thẻ nhà báo được ưu tiên "chen ngang" xếp hàng mua vé tàu xe, ưu tiên qua cầu phà thật là sướng. Chẳng thế mà hồi đó, đám phóng viên trẻ chúng tôi mặc áo sơ mi trắng hay áo "valide" hở da thịt, đút vào túi ngực chiếc thẻ nhà báo hằn rõ vạch chéo đỏ để làm oai với mọi người.

Khi dấn thân vào nghề báo mới hay đó là một công việc chẳng dễ dàng gì, vinh quang và cay đắng có đủ; chưa kể còn có cả sự nguy hiểm. Nếu chỉ đơn thuần đi dự họp hội nghị, lấy tài liệu về nhà viết tin, bài thì quá đơn giản. Muốn có bài viết sâu sắc, mang đậm hơi thở cuộc sống thì nhà báo phải đi cơ sở tìm hiểu thực tế, gặp gỡ phỏng vấn người dân, quan chức địa phương; thậm chí phải lăn lộn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân thì mới có thiên phóng sự hay. Hơn chục năm thường trú ở tỉnh Sơn La và Lai Châu (cũ), tôi có những chuyến đi bộ hai ba ngày đường leo dốc để đến với các chiến sỹ đồn biên phòng Pa Khôm (Yên Châu) Vàng Ma Chải (Phong Thổ), Hua Bum (Mường Tè), Si Pa Phìn (Mường Lay). Những bữa cơm đồn biên phòng chỉ có măng chấm muối ớt và vài miếng thịt mỡ nhưng còn ấm lòng đến tận giờ. Nhờ có những chuyến đi ấy mà tôi có được những bài viết, bức ảnh sinh động ghi lại thời kỳ biên cương nóng bỏng chống giặc Tàu.

Năm 1992, tôi cùng đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lai Châu do ông Mùa A Sấu, Chủ tịch, dẫn đầu, đi vận động bà con người Mông ở huyện Tủa Chùa triệt phá cây thuốc phiện. Hơn chục ngày trời cuốc bộ ở huyện vùng cao này còn để lại trong tôi ký ức khó quên. Những nương thuốc phiện bạt ngàn của người Mông Tủa Chùa với màu hoa tím, trắng, đỏ sặc sỡ đẹp mê hồn. Sắp vào thời kỳ thu hoạch, lá cây anh túc tốt xum suê, thân cây cao tận ngực, quả to như quả cau, chích mũi dao vào vỏ thấy ứa dòng nhựa trắng đục... cả một đống tiền. Nguồn sống chính của người dân là ở đấy, nên vận động đồng bào chặt, phá bỏ cây thuốc phiện không hề đơn giản. Có những cuộc họp dân bản gay cấn, kéo dài đến 1 giờ sáng mà bà con vẫn không thông chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện của Chính phủ, của tỉnh. Ông Mùa A Sấu phải trổ tài dân vận, ông nói "Cây thuốc phiện cho nhiều tiền nhưng gây ra nghiện ngập làm hủy hoại giống nòi...". Rồi ông kiên trì vận động, thuyết phục chính anh trai mình là già làng ở xã Sín Chải, đi tiên phong nhổ bỏ nương thuốc phiện của gia đình làm gương, từ đó mới tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Đi theo đoàn công tác, tôi làm nhiệm vụ chụp ảnh, Trần Quang Châu ở Sở Văn hóa tỉnh quay camera, đã ghi lại được những tư liệu quý của đợt đầu tỉnh ra quân vận động đồng bào triệt phá cây thuốc phiện. Hình ảnh hàng nghìn người dân tự nguyện mang dao, gậy, phạt đổ hàng trăm hecta cây thuốc phiện sắp vào kỳ thu hoạch, có những phụ nữ Mông ôm mặt khóc rưng rức vì tiếc của, tiếc công sức gieo trồng, đều được thu vào ống kính. Buổi tối, băng tư liệu được chiếu video ở sân bãi để bà con xem lại, kích thích lan tỏa phong trào. Sau đợt công tác, băng tư liệu, phóng sự truyền hình của chúng tôi trình chiếu cho lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lai Châu xem, củng cố niềm tin rằng, việc Ủy ban MTTQ tỉnh vận động người dân phá bỏ cây thuốc phiện ở Tủa Chùa là thành công, dù không ít chông gai nhọc nhằn. Từ đó tỉnh đã có quyết sách chỉ đạo vận động phá bỏ cây thuốc phiện trên địa bàn toàn tỉnh. Với riêng tôi, chuyến đi này thật sự là "nếm mật, nằm gai" ở cơ sở; sang nhất thì được ăn món thịt lợn treo gác bếp hun khói; nhiều bữa đói hoa mắt, chín giờ tối mới được ăn mèn mén (món bột ngô đồ của người Mông), nghẹn cổ họng, phải chan nước canh cải mới nuốt trôi. Bù lại, tôi được trải nghiệm cuộc sống gian nan vất vả của đồng bào và có bài viết, ảnh tuyên truyền kịp thời về "cuộc cách mạng" từ giã cây anh túc, loại độc dược chết người ở núi rừng Tây Bắc.

Làm báo thời ấy, việc chuyển tải tin, ảnh về cơ quan gian nan bội phần. Đến năm 1990, từ Lai Châu xa xôi, phóng viên gửi tin, bài về Hà Nội vẫn phải thông qua điện báo viên ngồi gõ ma-nip tạch tè ký tự mật mã bằng máy vô tuyến điện sóng ngắn 15W của Trung Quốc. Bài viết dài, gõ hàng tiếng mới xong; gặp hôm mất điện thì phóng viên phải quay ragono chạy ắc quy dự phòng, nhễ nhại guồng hai chân như xích lô leo dốc để nạp điện truyền tin. Tới năm sau thì có máy bộ đàm I Com, chỉnh tần số sóng ngắn, phóng viên đọc tin, bài về Tổng xã, có bộ phận kỹ thuật ngồi ghi chép lại rồi chuyển cho phòng biên tập. Những năm tiếp theo, văn minh hơn thì có máy fax, rồi máy vi tính... Công việc của phóng viên thời đại Internet quả thực nhàn nhã hơn, tin tức đưa nhanh chóng kịp thời về tòa soạn và giờ đây online trực tiếp ngay trên điện thoại thông minh.

 Dưng mà thời đại số hóa cũng có mặt trái của nó, một bài viết của phóng viên có khi chia sẻ tức thì cho vài đồng nghiệp báo bạn, rồi họ xào xáo lại thành sản phẩm thông tin của họ. Điều nguy hại là nó làm thui chột tư duy sáng tạo của người làm báo, thông tin các báo cứ na ná giống nhau. Ấy là chưa kể nạn sao chép, ăn cắp bản quyền đầy rẫy trên báo mạng. Rồi trong lớp trẻ bây giờ, số phóng viên xông xáo "trèo đèo lội suối" xuống cơ sở cũng không nhiều lắm. Phần đông đi theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", xin báo cáo rồi về; có khi lấy thông tin qua điện thoại. Tệ hại hơn, có người phịa ra ông nọ, bà kia "cho biết", hoặc "chia sẻ", nhưng thực ra là chính... do nhà báo nghĩ ra. Thật buồn cho những "nhà báo" kiểu này.

Nhà báo- anh là ai ? Tự biết mình, biết người, đừng huyễn hoặc cá nhân vẫn là vấn đề thời sự trong nghề.

Làm một nhà báo chân chính, đam mê, nói lên sụ thật vì quyền lợi công chúng, chứ không phải vì cái phong bì quả thật không dễ trong thời buổi kinh tế thị trường. Còn những nhà báo bồi bút hoặc lợi dụng nghề nghiệp để hăm dọa kiếm tiền vì lợi ích các nhân thì trước sau cũng bị lộ tẩy và rơi vào vòng lao lý.

Nhan Sinh -Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Hòa Bình
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

70 năm TTXVN: Sơ kết Cuộc vận động sáng tác ca khúc về TTXVN (13/02/2015 10:42:06)

Cơ quan Thường trú trọng điểm Yên Bái: Hợp lực để tăng sức mạnh (13/02/2015 10:23:01)

Cơ quan Thường trú Cairo (Ai Cập): Dặn nhau phải luôn giữ "lửa" nghề (13/02/2015 10:11:14)

Cơ quan thường trú trọng điểm Đắk Lắk: Liên kết vùng để có thông tin hay (13/02/2015 10:09:25)

Trung tâm Phát triển Truyền thông Thông tấn: "Cái khó ló cái khôn" (13/02/2015 10:03:31)

Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam: Tự tin bước vào năm mới (13/02/2015 10:01:10)

Cảm xúc đầu xuân (13/02/2015 09:57:03)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 12/2014) (08/01/2015 14:37:16)

ChuýãƯn cẳƠng tẳâc thõãốm tẳểnh ẵỔoẳ n kõãƯt (08/01/2015 10:00:20)

Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam: Nhiều hoạt động hướng đến 70 năm thành lập ngành (07/01/2015 09:10:35)