Những ngôi sao TikTok về bảo vệ môi trường ở Indonesia

Năm bạn trẻ ở Bandung, sau khi bị ảnh hưởng bởi trận lụt lịch sử, đã lập ra một nhóm mang tên Pandawara, với mong muốn tạo ra sự khác biệt tích cực cho cộng đồng.
Những ngôi sao TikTok về bảo vệ môi trường ở Indonesia ảnh 1Hàng trăm người tham gia nhóm Pandawara đã dọn dẹp một khu vực ở Bandung, Tây Java vào ngày 26/7. (Nguồn: The Guardian)

Sau khi nhà cửa hư hỏng do lũ lụt, 5 bạn trẻ ở Bandung, Indonesia đã thành lập nhóm "Pandawara" để truyền cảm hứng cho người dân trên khắp Indonesia tham gia cuộc chiến bảo vệ môi trường.

Năm 2022, khi các cơn mưa lớn xuất hiện tại Bandung, Indonesia, tình trạng ùn ứ rác thải đã khiến nước không thể thoát nhanh.

Lụt lội xuất hiện như một hệ quả tất yếu, khiến nhiều căn nhà, tài sản của người dân bị hư hại.

Năm bạn trẻ ở Bandung, sau khi bị ảnh hưởng bởi trận lụt lịch sử, đã nhận ra tầm quan trọng của việc dọn dẹp vệ sinh môi trường. Cùng nhau, họ đã lập ra một nhóm mang tên Pandawara, với mong muốn tạo ra sự khác biệt tích cực cho cộng đồng.

[Nhóm Bình Dương Xanh ngâm mình dọn rác, làm sạch kênh rạch]

“Pandawara” là sự kết hợp của từ "Pandava" - tên gọi chung chỉ 5 nhân vật linh thiêng trong thần thoại Ấn Độ - và từ "wara," mang ý nghĩa là "năm người mang tin tốt lành."

Kênh TikTok của Pandawara hiện đã đăng hơn 100 video ngắn, quay cảnh nhóm dọn rác thải môi trường trên nhiều con sông và bờ biển. Những video này được rất nhiều người ưa thích, thu hút hàng trăm triệu lượt xem và lượt bấm “like” (thích).

“Chúng tôi có một đội 'thợ săn' chuyên đi tìm những dòng sông đang bị ô nhiễm trầm trọng. Những con sông này thường chứa rất nhiều rác và có nguy cơ cao bị ngập úng mỗi khi trời mưa,” Gilang Rahma, một thành viên của Pandawara, chia sẻ.

Rác thải hiện là vấn đề nghiêm trọng ở Bandung. Mỗi ngày, người sinh sống ở vùng đô thị Bandung thải ra khoảng 2.000 tấn rác. Khoảng 10% đến 20% trong số đó không được chôn lấp và thường bị đổ ra sông.

Theo quan chức địa phương Prima Mayaningtyas, lượng rác hàng ngày thải ra đã vượt tổng công suất chôn lấp của Bandung tới 8 lần.

Và rác thải hiện không chỉ là vấn đề cục bộ của riêng Bandung mà còn cả với đất nước Indonesia nói chung.

Theo một khảo sát ở 280 thành phố và quận hành chính của Indonesia, trong số 33 triệu tấn chất thải nước này thải ra vào năm 2022, 36% không được chôn lấp. Hầu hết các bãi chôn lấp chất thải trên toàn quốc đều đã quá tải.

Nhóm Pandawara ra đời với mục tiêu giải quyết một phần thách thức về môi trường này. Khi mới thành lập, nhóm tập trung vào việc làm sạch các con sông ở gần nơi các thành viên sinh sống.

Để tự bảo vệ bản thân trong quá trình dọn dẹp, thành viên nhóm luôn đeo găng tay và đi giày cao su khi làm việc.

Dần dần, các thành viên của nhóm Pandawara trở thành những người có tầm ảnh hưởng lớn. Thông điệp của họ đã gây được tiếng vang với người dân trên khắp đất nước, thu hút hàng nghìn tình nguyện viên tham gia dọn dẹp. Họ có cơ hội được gặp nhiều quan chức chính phủ, cũng như nhận được các thỏa thuận hợp tác khác nhau.

Phạm vi hoạt động của nhóm dần mở rộng ra ngoài Bandung và họ triển khai nhiều hoạt động dọn dẹp ở các hòn đảo khác trên khắp Indonesia.

Đầu tháng Bảy vừa qua, Pandawara đã tổ chức dọn dẹp một bãi biển ở Lampung, Sumatra. Có tới 3.000 người hưởng ứng lời kêu gọi tham gia hoạt động dọn dẹp này của nhóm.

Lượng rác thải nhóm thu gom sau đó được vận chuyển đến các bãi chôn lấp được chỉ định.

“Khi chúng tôi đưa ra lời kêu gọi, có hàng nghìn người sẵn sàng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, do hạn chế về không gian hoặc công tác hậu cần, chúng tôi không thể nhận hết tất cả, thường chỉ có thể nhận vài chục người. Tất nhiên, vẫn có lúc chúng tôi không giới hạn về số lượng tình nguyện viên, khi quy mô của nhiệm vụ quá lớn. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi luôn hoan nghênh tất cả những ai có thể tham gia,” Gilang chia sẻ.

Anh cũng nhấn mạnh rằng nhóm muốn tận dụng nền tảng truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm môi trường trong thế hệ trẻ.

Lần gần đây nhất Pandawara tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường là ở đập Bugel, Bandung. Sự kiện đã thu hút 600 tình nguyện viên tham gia, trong đó có cả nhiều công chức nhà nước. Tất cả đã cùng nhau dọn dẹp và thu gom tổng cộng 17 tấn chất thải.

Những ngôi sao TikTok về bảo vệ môi trường ở Indonesia ảnh 2Các tình nguyện viên chụp ảnh cùng nhóm Pandawara (áo đen). (Nguồn: The Guardian)

Một trong những tình nguyện viên tham gia lần đó có Resti Khairunnisa, 22 tuổi, sống gần đập Bugel. Sau khi kết thúc ca trực đêm, Resti ngay lập tức tham gia hỗ trợ nhóm dọn dẹp.

Resti chia sẻ rằng các video dọn dẹp của nhóm Pandawara đã truyền nguồn cảm hứng rất lớn cho cô.

"Tôi háo hức tới mức không ngủ được. Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn quan tâm tới vấn đề ô nhiễm rác thải, nhưng đây là lần đầu tiên tôi dọn rác như thế này," Resti nói với phóng viên sau ba giờ dọn dẹp rác thải.

Một tình nguyện viên khác, chàng sinh viên đại học 21 tuổi Imam Ahmad Fadhil, cũng là nạn nhân của lũ lụt. Anh nói rằng đã theo dõi nhóm Pandawara từ trước khi họ trở nên nổi tiếng và rất khâm phục sự kiên trì của nhóm.

Nhưng Imam Ahmad Fadhil cũng thừa nhận rằng các sáng kiến cộng đồng là chưa đủ để giải quyết vấn đề môi trường ở Indonesia.

“Nhiều người biết xả rác bừa bãi là sai nhưng nơi họ sinh sống không có cơ sở xử lý rác thải. Họ cũng không có phương tiện vận chuyển rác nên đành chịu,” anh chia sẻ.

Quan chức địa phương Prima Mayaningtyas, thừa nhận rằng chính quyền có trách nhiệm tăng cường các hoạt động xử lý chất thải, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của của người dân.

Hiện, chính phủ Indonesia đã có kế hoạch xây dựng một loạt các nhà máy điện rác trong khu vực Bandung. Tổng dự án có trị giá ước tính khoảng 265 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

“Tôi thấy có rất nhiều các bạn trẻ tham gia tình nguyện dọn dẹp môi trường,” bà Prima Mayaningtyas chia sẻ, bày tỏ hy vọng những dự án như nhóm Pandawara đã thực hiện có thể góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhắc nhở công chúng hiểu rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của tất cả mọi người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục