Thanh Thúy, Kiều Trinh rất tài năng nhưng khó đánh giải hàng đầu thế giới vì một quyết định gây tranh cãi dữ dội

04/07/2023 10:00 GMT+7 | Thể thao

Thanh Thúy, Kiều Trinh là những ngôi sao bóng chuyền nữ hàng đầu Việt Nam hiện nay. Nhưng họ rất khó đánh giải hàng đầu thế giới vì một quyết định gây tranh cãi rất nhiều.

Thanh Thúy, Kiều Trinh gặp khó vì một quyết định đầy tranh cãi

Thanh Thúy, Kiều Trinh và đồng đội ở tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang tích cực tập luyện chuẩn bị tham dự FIVB Challenger Cup, giải đấu mà đội vô địch sẽ giành vé tham dự VNL, giải đấu quy tụ các ĐTQG hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, không chỉ ở lần tham dự FIVB Challenger Cup vào cuối tháng 7/2023 mà nếu có tham dự giải này những năm sắp tới, tuyển Việt Nam cũng rất khó vô địch để giành quyền đánh ở VNL.

Thanh Thúy, Kiều Trinh và đồng đội rất khó kiếm vé dự VNL

Thanh Thúy, Kiều Trinh và đồng đội rất khó kiếm vé dự VNL

Lí do là bởi góp mặt ở FIVB Challenger Cup ngoài 3 đội khác vô địch các giải bóng chuyền của Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Phi, đội chủ nhà và 2 đội vào chung kết CEV Golden League thì còn một đội rớt hạng từ VNL và tuyển nữ Việt Nam có thể còn phải đánh bại được đội này mới có hi vọng kiếm vé dự VNL của năm sau đó.

Nhưng có một thực tế rất trớ trêu là đội rớt hạng từ VNL xuống FIVB Challenger Cup lại không phải là đội có thực lực yếu nhất VNL trong khi đội yếu nhất VNL lại không bị rớt hạng.

Thực tế này khiến cuộc cạnh tranh giành chức vô địch FIVB Challenger Cup trở nên khốc liệt hơn và cơ hội vô địch dành cho Thanh Thúy, Kiều Trinh và đồng đội cũng giảm đi.

Bất lợi đó đối với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ quyết định của Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) là các đội thuộc nhóm chủ lực của VNL không bị xuống hạng ngay cả khi họ xếp cuối bảng.

Theo quy định của FIVB thì VNL có 16 đội tham dự trong đó cố 12 đội được xếp vào nhóm chủ lực và 4 đội thuộc nhóm thách thức. Các đội thuộc nhóm chủ lực không bị xuống hạng (tức là xuống thi đấu ở FIVB Challenger Cup) mà đội xếp hạng thấp nhất trong số 4 đội thuộc nhóm thách thức sẽ phải xuống đánh ở FIVB Challenger Cup.

Chính vì quy định này của FIVB mà tuyển nữ Hàn Quốc không phải xuống đánh ở FIVB Challenger Cup 2023 mà thay vào đó là tuyển Croatia dù thực tế Hàn Quốc xếp bét bảng ở VNL năm nay.

Lí do là vì tuyển Hàn Quốc nằm trong số các đội được FIVB xếp vào nhóm chủ lực nên được "miễn" xuống hạng dù về thực lực, họ là đội yếu nhất trong các đội tham dự VNL 2023 trong khi Croatia mạnh hơn Hàn Quốc thì lại phải xuống chơi ở FIVB Challenger Cup 2023.

Sau khi tay đập lừng danh Kim Yeon Koung tuyên bố từ giã ĐTQG hồi cuối năm 2020 và hai chị em song sinh là cây chuyền hai nổi tiếng Lee Da Yeong và chủ công tài ba Lee Jae Yeong bị cấm thi đấu thì bóng chuyền nữ Hàn Quốc xuống dốc không phanh.

Hàn Quốc yếu đến mức họ thua tất cả các trận đấu ở VNL 2022 và VNL 2023 và chỉ thắng được tổng cộng 6 set đấu trong 2 mùa gần nhất họ tham dự VNL.

Từ chỗ là "chị đại" số 3 Châu Á, Hàn Quốc đã bị Thái Lan qua mặt và bị đẩy xuống vị trí thứ 4 Châu Á. Ở cả hai giải VNL 2022 và 2023, Hàn Quốc đều thua dễ Thái Lan 0-3.

Nếu Thanh Thúy, Kiều Trinh và đồng đội đạt thể lực tốt, chơi đúng đẳng cấp và phong độ, chúng ta hoàn toàn có thể thắng tuyển nữ Hàn Quốc vào thời điểm này.

Nhưng vấn đề là Hàn Quốc lại không bị rớt xuống FIVB Challenger Cup mà đội mạnh hơn họ là Croatia (vô địch FIVB Challenger Cup 2022, thắng Hàn Quốc 3-0 ở VNL 2023) mới là đội rớt hạng.

Thanh Thúy, Kiều Trinh rất tài năng nhưng khó đánh giải hàng đầu thế giới vì một quyết định gây tranh cãi dữ dội - Ảnh 3.

Thanh Thúy, Kiều Trinh rất tài năng nhưng khó đánh giải hàng đầu thế giới vì một quyết định gây tranh cãi dữ dội - Ảnh 3.

Thế nên, cơ hội để tuyển Việt Nam vô địch FIVB Challenger Cup nhằm kiếm vé dự VNL càng trở nên khó khăn hơn vì tính cạnh tranh của giải này trở nên khốc liệt hơn do quy định "miễn" xuống hạng đối với các đội thuộc nhóm chủ lực ở VNL mà FIVB đề ra.

Quyết định "miễn" xuống hạng đối với các đội thuộc nhóm chủ lực ở VNL được FIVB đưa ra khi đổi tên giải World Grand Prix thành VNL từ 2018.

Quyết định này gây tranh cãi dữ dội trong cộng đồng hâm mộ bóng chuyền Việt Nam vì đa số cho rằng nó phục vụ cho "lợi ích nhóm" thay vì hướng đến sự phát triển chung và tạo một sân chơi công bằng, bình đẳng cho tất cả các ĐTQG.

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm