Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra

Chiều 24/6, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra ảnh 1Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 24/6, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5-10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6-24/6/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Phú Cường; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Hà; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Quang Mạnh; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đặng Quốc Khánh; phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội]

Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, kịp thời, bảo đảm thủ tục đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về phân bổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.387.906 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.484.439 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra; đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cơ quan triển khai thực hiện và có các giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi để giải quyết các tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo các nghị quyết của Quốc hội.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra ảnh 2Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn về các lĩnh vực Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Dân tộc. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và cử tri. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao.

Các Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp. Với ý thức trách nhiệm cao, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời một số nội dung mà báo chí quan tâm.

Liên quan đến Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Điều 10 của Nghị quyết nêu rất rõ trình tự, yêu cầu thời gian, nội dung phải gửi tới đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh, người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo kết quả thực hiện công việc của mình, kê khai tài sản để đại biểu nghiên cứu trước khi tiến hành lấy phiếu. Việc cung cấp thông tin được yêu cầu rất kỹ, tường minh trong Nghị quyết.

Ngoài ra, theo ông Bùi Văn Cường, việc cung cấp thông tin không chỉ có báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn có cả báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổng hợp gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Đối với việc khắc phục tình trạng tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, tại Nghị quyết chung của Kỳ họp, Quốc hội yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc, kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Qua đó phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.

Quốc hội còn yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

"Như vậy, giải pháp đã tương đối đầy đủ để hạn chế tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức," ông Bùi Văn Cường chỉ rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục