Tạo đột phá trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực.
Tạo đột phá trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở ảnh 1Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 14/6, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, từ ngày 1/7/2021, thành phố đã chính thức tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Qua 2 năm thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản đảm bảo các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra; tạo sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Thành ủy Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị thành phố nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, hệ thống chính trị thành phố, quán triệt sâu sắc, triển khai nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đảm bảo bài bản, thận trọng, đúng quy định của pháp luật và đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Trình bày Tờ trình lấy ý kiến đại biểu về dự thảo Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực.

Các địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, vận hành bộ máy bình thường, chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc lớn. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn.

[BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội cho ý kiến về 3 nội dung quan trọng]

Việc sắp xếp, bố trí công tác và giải quyết các chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường sau sắp xếp, kiện toàn được thực hiện đúng quy định; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường tinh gọn, nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Phương thức hoạt động của Ủy ban Nhân dân thay đổi theo hướng tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là sắp xếp nhân sự lãnh đạo Hội đồng Nhân dân các cấp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để vận hành tổ chức bộ máy của Hội đồng Nhân dân các cấp trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 10/9/2020 lãnh đạo, chỉ đạo rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, Hội đồng Nhân dân thành phố gồm 94 đại biểu (đầu nhiệm kỳ 95 đại biểu); Hội đồng Nhân dân quận, huyện, thị xã gồm 1.021 đại biểu (đầu nhiệm kỳ 1.052 đại biểu); Hội đồng Nhân dân 404 xã, thị trấn gồm 10.365 đại biểu (đầu nhiệm kỳ 10.564 đại biểu); không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường.

Trước ngày 1/7/2021, khi chưa thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, số lượng cán bộ, công chức phường là 2.704 người. Sau ngày đó, các quận và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại 175/175 phường: bổ nhiệm 173 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, 335 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, chuyển 1.944 công chức phường sang công chức thuộc biên chế Ủy ban Nhân dân quận, thị xã quản lý; bố trí sắp xếp các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường do không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường.

Tính đến tháng 3/2023, số công chức phường đương nhiệm là 2.349 người, còn thiếu so với biên chế giao 276 người, trong đó thiếu hai Chủ tịch phường, 7 Phó Chủ tịch phường, một công chức Chỉ huy trưởng Quân sự và 266 công chức các chức danh khác...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị cũng gặp phải không ít khó khăn. Khối lượng công việc của Hội đồng Nhân dân các quận, thị xã tăng lên nhiều khi vận hành mô hình chính quyền đô thị nhưng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân quận, thị xã so với nhiệm kỳ trước giảm, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân chỉ còn một người.

Bộ máy giúp việc Hội đồng Nhân dân quận, thị xã hiện nay còn chưa được bố trí đầy đủ, có nơi chưa được bố trí chuyên viên Văn phòng Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân chuyên trách tham mưu, giúp việc cho Thường trực và các Ban Hội đồng Nhân dân; ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân quận, thị xã...

Tạo đột phá trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở ảnh 2Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý của Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, Thành ủy Hà Nội xác định, thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Thành phố quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương khắc phục hạn chế, tồn tại; tăng cường công tác nắm bắt, hướng dẫn của cấp trên đối với cấp dưới, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra.

Thành phố kiến nghị các cấp nghiên cứu, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng quy định mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, bổ sung cấp chính quyền thuộc thành phố và tăng số lượng, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục