Nhà báo Xuân Thủy: Hơn nửa thế kỷ dùng ngòi bút ‘xoay vần thời thế’

Tại tọa đàm về nhà báo Xuân Thuỷ, các diễn giả đã làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cùng những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp báo chí cách mạng và ngoại giao của đất nước.
Nhà báo Xuân Thủy: Hơn nửa thế kỷ dùng ngòi bút ‘xoay vần thời thế’ ảnh 1Khách tham quan trưng bày hơn 20 tài liệu, hiện vật về nhà báo Xuân Thủy trong khuôn khổ tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Thu sang hoa cỏ già rồi. Suối reo lên để cho đời trẻ trung! Thu sang non nước lạnh lùng. Suối reo lên để cho lòng ta reo!”

Đó là những câu thơ của nhà thơ-nhà báo Xuân Thủy viết trong số đầu tiên của Suối reo, tờ báo đặc biệt được sản xuất trong nhà tù Sơn La. Ở nơi đó, chủ bút Xuân Thủy và các cộng sự đã phải sáng tác ở những nơi tối tăm, bí mật nhất kể cả nhà xí để tránh sự soi mói và họng súng quân thù.

Những câu chuyện về nhân cách, sự nghiệp của nhà báo Xuân Thủy cùng đóng góp của ông cho báo chí cách mạnh Việt Nam đã được điểm lại trong khuôn khổ toạ đàm khoa học và trưng bày chuyên đề Nhà báo Xuân Thuỷ (1912-1985) diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội.

Làm báo bí mật trong tù

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, chiến sỹ cách mạng Xuân Thủy là một nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thơ xuất chúng, tài hoa, đức độ.

Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912, tại thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm), Hà Nội. Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ông đã là một cán bộ đảng được phân công hoạt động trong lĩnh vực báo chí, là một nhà báo thực thụ và cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Xuân Thủy: Hơn nửa thế kỷ dùng ngòi bút ‘xoay vần thời thế’ ảnh 2Các đại biểu dự tọa đàm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngay từ lúc ngoài 20 tuổi, ông đã là ký giả, có bài đăng trên các báo Tin tức, Đời nay, là thông tin viên cho tờ Trung Bắc Tân văn và từ năm 1932 hoạt động cách mạng thông qua báo chí. Bút danh Xuân Thủy ra đời trong thời kỳ này và trở thành tên gọi của ông cho đến khi qua đời. Từ năm 1938 đến 1943, vì những hoạt động chống thực dân, ông nhiều lần bị bắt giam, bị đưa đi lưu đày.

Trong nhà tù Sơn La, ông cùng bạn tù là nhà báo Trần Huy Liệu bí mật làm tờ Suối reo. Để tránh sự kiểm tra của bọn cai ngục, có khi các nhà báo phải đưa giấy, bút, mực vào trong khu vực hố xí để viết. Trong hoàn cảnh đó, chủ bút Xuân Thủy đã xuất khẩu thành thơ tếu rằng: “Đi theo ánh sáng vào trong ấy/ Chớ để văn chương phải nặng mùi!”

Trong hồi ký “Suối reo năm ấy,” Xuân Thủy kể lại rằng, để “xuất bản” báo Suối reo, ông và đồng đội phải khéo léo mắc một ngọn đèn điện nhỏ vào góc nhà xa cửa ra, bịt kín lại chỉ để một lỗ nhỏ cho ánh sáng hắt xuống các trang giấy viết. Một người tù phải phục ngay cạnh cửa để sẵn sàng báo động nếu có bọn gác ngục đi tới.

Đầu năm 1944, ông bị đưa về quản thúc tại quê nhà, được Đảng đón đi hoạt động bí mật, phụ trách báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo. Từ đó, ông dành nhiều tâm sức cho việc tổ chức và phát triển báo Cứu quốc với những bài báo, trang báo, số báo nóng bỏng khí phách cách mạng, mở ra một trang sử mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Cuối năm 1945, nhà báo Xuân Thủy vận động các ông Nguyễn Đức Thuyết, Chủ nhiệm báo Vì nước và nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân, tham gia thành lập tổ chức của người làm báo Việt Nam. Sau đó, Đại hội báo giới được tiến hành theo chương trình nghị sự, Đoàn báo chí Việt Nam ra đời.

Theo đề cử của ông, nhà báo Nguyễn Tường Phượng được giữ chức Chủ tịch Đoàn. Trên cơ sở đó, năm 1950, tại Quảng Nạp (thuộc chiến khu Việt Bắc), Xuân Thủy lại đứng ra triệu tập các nhà báo, mở Đại hội thành lập "Hội những người viết báo Việt Nam" (từ năm 1959 đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam) và nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Ông cũng chính là người đã trực tiếp tham gia chỉ đạo và tổ chức thực hiện Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng. Giữa bộn bề những công việc của cuộc kháng chiến chống Pháp, lớp học đào tạo cán bộ báo chí đã được tổ chức giữa năm 1949 ở xóm Bờ Rạ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, chiến khu Việt Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, gửi gắm nhiều kỳ vọng vào các học viên về dự học với hai lần gửi thư cho lớp học. Sau 3 tháng học tập, 42 học viên của Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng đã tỏa về các địa phương tham gia công tác ở các tờ báo, bản tin của kháng chiến, trở thành những cán bộ trụ cột của hệ thống báo chí, văn hóa nước nhà.

Trọn đời cống hiến cho báo chí nước nhà

Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương người làm báo hiện nay với nhiều thiết bị hiện đại, cách thức làm báo thuận lợi sẽ rất khó hình dung những cách thức làm báo của các bậc tiền bối xưa cũng như bối cảnh đấu tranh chống những kẻ xâm lược ngày xưa.

"Thậm chí các nhà báo cách mạng không có những thiết bị phù hợp, chỉ sử dụng những công cụ hết sức thô sơ nhưng có thể làm ra những trang báo gây chấn động, có tác dụng tuyên truyền rất lớn. Việc tổ chức toạ đàm như vậy giúp cho cho thế hệ trẻ hiện nay thấy được chặng đường phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam từ lúc sơ khai đầy khó khăn,” ông Lê Quốc Minh nói.

Nhà báo Xuân Thủy: Hơn nửa thế kỷ dùng ngòi bút ‘xoay vần thời thế’ ảnh 3Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo ông Lê Quốc Minh, nhà báo Xuân Thuỷ là người luôn hết mình cống hiến cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông là người có tính chuyên nghiệp rất cao cũng như những trăn trở với nền báo chí nước nhà.

“Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có thể nói, báo chí là lĩnh vực được nhà báo Xuân Thủy giành trọn sự say mê và gắn bó nhất cho đến giây phút cuối cùng,” nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ mong muốn tổ chức nhiều toạ đàm tương tự về các nhà báo lão thành, để lưu giữ trang sử hào hùng của báo chí cách mạng Việt Nam cũng như truyền tải những kiến thức về nền báo chí cách mạng, cá nhân các nhà báo cũng như truyền lửa nghề đam mê đến với các thế hệ người làm báo trẻ.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho hay trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nhà báo Xuân Thuỷ vừa là lãnh đạo, cây bút chủ lực, vừa là nhà quản lý, giáo viên đào tạo báo chí đồng thời lại vừa là nhà tổ chức, sáng lập các cơ quan báo chí quan trọng của nước nhà như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…

Nhà báo Xuân Thủy: Hơn nửa thế kỷ dùng ngòi bút ‘xoay vần thời thế’ ảnh 4Chiếc ống nhòm nhà báo Xuân Thủy từng sử dụng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Dù ở cương vị nào, ông vẫn nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp báo chí mãi cho đến thời điểm nhắm mắt xuôi tay, đó lại cũng là lúc ông đang viết dở những trang về những chặng đường phát triển của báo Cứu quốc,” bà Giang bày tỏ.

Nhận định về nhà báo Xuân Thủy, Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương Hơn khẳng định Xuân Thủy luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ở bất cứ nhiệm vụ công tác nào, lĩnh vực hoạt động nào, ông cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, là tấm gương sáng về sự tận tụy và khiêm nhường, về tài năng và đức độ.

“Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ông đã trải qua bao thử thách khắc nghiệt, bắt đầu từ một thanh niên trí thức yêu nước làm thơ, viết báo với ước vọng dùng ngòi bút ‘xoay vần thời thế’, đến khi trở thành một nhà lãnh đạo chính trị từng trải, luôn kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại. Xuân Thủy như một vì sao còn sáng mãi trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và giữa lòng dân tộc, quê hương,” Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn bày tỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục