ĐBQH: Chính sách mới phải "cởi trói" cho các dự án PPP tại TP.HCM

Đại biểu Quốc hội cho rằng thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là rất cần thiết với Thành phố Hồ Chí Minh để có thể xã hội hóa, tạo nguồn lực để phát triển đột phá.
ĐBQH: Chính sách mới phải "cởi trói" cho các dự án PPP tại TP.HCM ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Getty)

Trong phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh chiều nay 8/6, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề tháo gỡ rào cản, "cởi trói" để thu hút đầu tư, tạo nguồn lực thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh phát triển đột phá.

Tán thành đầu tư PPP vào giao thông

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tán hành thí điểm phát triển mô hình đô thị theo định hướng phát triển giao thông, góp phần huy động nguồn lực đầu tư cho các dự án, đồng bộ phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng sẽ tăng thu ngân sách.

Đại biểu Phan Văn Hoà cho rằng việc sử dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để nâng cấp các công trình đường bộ mặc dù trái với nghị quyết Quốc hội nhưng việc nâng cấp, mở rộng đường phố là cần thiết để giảm ắch tắc giao thông. Phát triển giao thông cần đầu tư kinh phí lớn, nhất là đối với giải toả, đền bù mặt bằng cho nên áp dụng PPP là hợp lý. Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Văn Hoà nếu chỉ nâng cấp mà không mở rộng thì không cần áp dụng PPP.

[Xây dựng Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với TPHCM]

Đồng ý với quy định thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư công trình đường bộ hiện hữu tuy nhiên đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh Đồng Tháp cũng có nỗi băn khoăn giống với đại biểu Phạm Văn Hòa và đề nghị chỉ áp dụng đối với các dự án mở rộng, hiện đại hóa các công trình đường bộ hiện hữu, không áp dụng đối với các dự án nâng cấp.

“Quy định như vậy đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm, vai trò của thành phố trong bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện hữu mà không còn điều kiện, khả năng để mở rộng mặt đường,” đại biểu Nguyễn Hải Anh cho hay.

ĐBQH: Chính sách mới phải "cởi trói" cho các dự án PPP tại TP.HCM ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cũng có ý kiến đối với đề xuất áp dụng hợp đồng BOT để xây dựng nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông tán thành cần có một cơ chế đặc thù để phát triển, hiện đại hóa công trình đường bộ của thành phố. Tuy nhiên, ngay trong dự thảo nghị quyết cần quy định chặt chẽ điều kiện để khi triển khai các dự án BOT trên địa bàn thành phố, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhất là người dân sống gần khu vực BOT, tránh phát sinh những khiếu kiện phức tạp.

Mở rộng đầu tư PPP cho lĩnh vực y tế

Ngoài việc quan tâm tới đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng nên mở rộng hình thức đầu tư PPP đối với các lĩnh vực khác.

Theo đại biểu Phan Văn Hoà, thực hiện dự án đầu tư PPP trong các lĩnh vực thể thao, văn hoá, công nghiệp, giao thông… là rất cần thiết nhằm hiện thực các chủ trương xã hội hoá. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có thể áp dụng thêm trong các lĩnh vực khác như y tế, khoa học, công nghệ... nhằm đa dạng hoá xã hội hoá trong các lĩnh vực.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chỉ ra rằng dự thảo đã quy định về các dự án đầu tư theo phương pháp đối tác công tư PPP đã mở rộng thêm, áp dụng các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư, quy mô dự án PPP về lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo không được hơn một trăm tỷ đồng.

Theo nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, trong khi điều kiện ngân sách hạn chế, thủ tục mua sắm khó khăn, nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị cơ sở y tế công lập không nhiều thì việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư, quy mô dự án PPP thuộc dự án y tế là hết sức cần thiết. Việc thu hút nguồn lực xã hội sẽ giúp đầu tư tốt hơn cho các cơ sở y tế có thêm máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân và thực hiện phương pháp y tế dự phòng cho thành phố.

“Tôi đề nghị các dự vào xem xét bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP đối với cả lĩnh vực y tế mà không áp dụng định mức,” đại biểu Trần Khánh Thu nói.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng dự thảo nghị quyết chưa thấy có chính sách thực sực đột phá tạo sức chuyển mới để phục hồi, duy trì và phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là chính sách thu hút, ưu đãi đối với hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân nên cần có chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành cùng tham gia.

“Thành phố cần ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các đầu tư vào y tế và các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân, như việc giao đất, các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính... để hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các bệnh viện với đặc điểm với những lĩnh vực như ung bướu, tim mạch, chấn thương, chỉnh hình....,” đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục