BoJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến lạm phát ngày càng tăng

Thống đốc BoJ cho rằng mức tăng giá hiện nay chủ yếu do các nhân tố chi phí đẩy tạm thời; tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ, nếu sự thay đổi được cho là cần thiết.
BoJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến lạm phát ngày càng tăng ảnh 1Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda phát biểu với báo giới tại Tokyo ngày 10/4/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trong bối cảnh giá cả tăng từ thực phẩm đến dịch vụ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đối mặt với sức ép mới khi quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Phát biểu ngày 19/5, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết mục tiêu lạm phát 2% của Nhật Bản cuối cùng đã ở trong tầm với và chi phí làm gián đoạn tiến độ bằng “những chính sách vội vàng” có thể sẽ rất cao.

Trong lúc BoJ đang dùng “chiêu bài án binh,”các thị trường đang hướng sự chú ý vào số liệu việc làm tới đây để dò đoán xem BoJ sẽ hành động như thế nào trong động thái tiếp theo.

Thống đốc Kazuo Ueda một tuần sau đó đã cảnh báo rằng việc vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ "có tác động tiêu cực đáng kể đến việc làm và các lĩnh vực khác."

Sau cảnh báo của ông Ueda, lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái, đồng nội tệ Nhật Bản giảm xuống còn 140 yen đổi 1 USD và chỉ phục hồi nhẹ kể từ đó.

Một nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản cho hay lạm phát đang tăng khá cao, còn BoJ cho rằng Nhật Bản đang tiến gần hơn đến các điều kiện của châu Âu và Mỹ.

Quan điểm của BoJ là mặc dù lạm phát trên 3% có thể là gánh nặng đối với người dân, nhưng cuối cùng nó sẽ giảm xuống khi giá hàng hóa giảm; và ông Ueda giả định rằng lạm phát sẽ "giảm khá rõ ràng" bắt đầu từ khoảng giữa năm tài chính 2023-2024 (kết thúc ngày 31/3/2024).

Đó là lý do BoJ vẫn đang “kiên nhẫn,” trong khi các nhà quan sát đặt câu hỏi về cách tiếp cận của Ngân hàng Trung ương này.

[BoJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến lạm phát ngày càng tăng]

Tuy nhiên, các dữ liệu đang cho thấy sự trái ngược với kịch bản trên.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản trong tháng Tư vừa qua, không tính thực phẩm tươi sống, đã tăng 3,4% trong bối cảnh nền kinh tế nước này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đã đẩy giá dịch vụ tăng cao.

Tiền lương đã cho thấy sự cải thiện. Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản cho biết trong các cuộc đàm phán mùa Xuân tính đến ngày 19/5, các nghiệp đoàn tại các công ty lớn đảm bảo tăng lương hằng tháng trung bình 3,91%, mức cao nhất trong 30 năm. Đây là những dấu hiệu tích cực nhưng theo BoJ, cần có thêm thời gian để đánh giá.

Một nguồn tin của BoJ cho biết nếu tăng trưởng tiền lương năm tới vẫn bằng với năm nay ngay cả sau khi lạm phát đã hạ nhiệt, thì "đó có thể được coi là lạm phát bền vững và ổn định."

Số liệu việc làm hằng tháng dự kiến được công bố ngày 6/6 sẽ là dữ liệu đầu tiên cho thấy kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương mùa Xuân. Dữ liệu trước đó cho thấy tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm trong tháng Ba vừa qua, và là tháng giảm thứ 12 liên tiếp.

BoJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến lạm phát ngày càng tăng ảnh 2Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thống đốc Ueda vẫn cho rằng mức tăng giá hiện nay chủ yếu do các nhân tố chi phí đẩy tạm thời. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ, nếu sự thay đổi được cho là cần thiết.

Hồi đầu tháng trước, số liệu của chính phủ công bố cũng nêu bật những bất ổn xung quanh triển vọng chính sách của BoJ trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và những lo ngại về lĩnh vực tài chính ngay cả khi có nhiều đồn đoán về việc ngân hàng này có thể loại bỏ dần chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Các số liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản bất ngờ giảm trong tháng 3/2023 với tốc độ nhanh nhất trong một năm, trong khi mức lương thực tế ghi nhận tháng sụt giảm thứ 12 do lạm phát kéo dài, cho thấy những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong quá trình phục hồi hậu COVID-19.

Tại cuộc họp chính sách đầu tiên của BoJ dưới sự dẫn dắt của ông Ueda - tân Thống đốc - vào ngày 28/4, cùng với việc duy trì lãi suất ở mức cực thấp như dự đoán, BoJ đã đề cập đến sự cần thiết phải thúc đẩy tăng trưởng tiền lương để đạt được mục tiêu lạm phát.

Dù đã mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ suốt nhiều năm, BoJ vẫn chưa đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% một cách ổn định. Kết thúc cuộc họp chính sách cuối tháng Tư, BoJ cho biết sẽ dành năm tiếp theo để đánh giá khung chính sách tiền tệ của mình trong hàng chục năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục