Toàn văn Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do lãnh đạo Chính phủ trình bày trước Quốc hội (Phần 1)

08:13' - 23/05/2023
BNEWS Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 22/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo:

"Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng!

Kính thưa Quốc hội!

Kính thưa đồng bào và cử tri cả nước!

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 40 báo cáo, tờ trình, tài liệu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Báo cáo đầy đủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023. Được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước một số nội dung chủ yếu như sau:

I. ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG KẾT QUẢ NĂM 2022 VÀ TÌNH HÌNH KTXH NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2023

1. Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và ước cả năm 2022. Trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.Tập trung kiểm soát dịch COVID-19; tích cực giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy công tác quy hoạch, liên kết vùng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022. Những nhận định, đánh giá Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cơ bản phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế[1]; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch[2], trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD); CPI bình quân tăng 3,15%(đã báo cáo là khoảng 4%); thu NSNN đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD (đã báo cáo là 368 tỷ USD); xuất siêu đạt trên 12,4 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 1 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng (cao hơn số đã báo cáo18,3 nghìn tỷ đồng); vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% (đã báo cáo 6,4-11,5%). Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34,7% GDP; nợ nước ngoài là 36,8% GDP).

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; đến hết năm 2022 đã hỗ trợ gần 104,5 nghìn tỷ đồng cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động gặp khó khăn[3]; đồng thời xuất cấp 25 nghìn tấn gạo, hỗ trợ cho 492 nghìn hộ với hơn 1,6 triệu nhân khẩu. Quốc phòng, an ninh được củng cố; chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, phát huy hiệu quả; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên. Giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody’s, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng “ổn định”; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng “ổn định”; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng “tích cực”). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, rất phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2022 là rất đáng trân trọng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Chính phủ với địa phương (ngày 3/1/2023): Nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.

Tuy nhiên, nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn; trong đó có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch[4]; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp; những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả. Bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân còn những bất cập. Việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, ách tắc trong thực thi công vụ cần nỗ lực hơn nữa; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm. Phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, thiếu quyết liệt, bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao...

2. Về tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023

2.1. Bối cảnh

Từ đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là: hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột ở Ukraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn[5]; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng[6]; những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng lớn và tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến người dân.

Ở trong nước, chúng ta có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng… Trong khi đó, những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm đã bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn như các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém...

(còn tiếp)

----------------------------------------------------------------

[1] Trong đó: (i) Thu đủ chi, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,6% so với dự toán; (ii) Xuất đủ nhập, xuất siêu 12,4 tỷ USD; (iii) Làm đủ ăn, xuất khẩu trên 7,1 triệu tấn gạo (trị giá 3,45 tỷ USD), gần 55 tỷ USD hàng nông sản; (iv) An ninh năng lượng được bảo đảm; (v) Thị trường lao động phục hồi tốt; cơ bản bảo đảm cung cầu lao động.

[2] Có 07 chỉ tiêu vượt là: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (đạt 8,02% so với kế hoạch là khoảng 6-6,5%); (2) GDP bình quân đầu người (đạt 4.109 USD so với kế hoạch là 3.900 USD); (3) Số bác sĩ trên 10.000 dân (đạt 11,1 bác sĩ so với kế hoạch là 9,4 bác sĩ); (4) Số giường bệnh trên 10.000 dân (đạt 31 giường so với kế hoạch là 29,5 giường); (5) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92,03% so với kế hoạch là 92%); (6) Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 73,06% so với kế hoạch là 73%); (7) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn (đạt 96,28% so với kế hoạch là 89%).

Có 06 chỉ tiêu đạt là: (1) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (đạt 3,15%); (2) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (đạt 27,5%); (3) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ (đạt 27%); (4) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị (đạt 2,79%); (5) Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (đạt 1,17%); (6) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt 91%).

[3] Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội từ năm 2020 đến hết năm 2022 theo Nghị quyết 42/NQ-CP (ngày 09/4/2020), Nghị quyết 116/NQ-CP (ngày 24/9/2021), Nghị quyết 68/NQ-CP (ngày 01/7/2021), Quyết định 08/2022/QĐ-TTg (ngày 28/3/2022).

[4] Gồm: (i) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76% (kế hoạch là 25,5-25,8%) và (ii)Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 4,8% (kế hoạch là khoảng 5,5%).

[5] GDP quý I của một số nước: Mỹ tăng 1,6% so với cùng kỳ; EU tăng 1,3%, mức tăng thấp nhất kể từ quý 2 năm 2021; Hàn Quốc tăng 0,8%, mức tăng thấp nhất kể từ quý 1 năm 2021; Nhật Bản tăng 1,6%; Singapore tăng 0,1%, tốc độ tăng thấp nhất kể từ quý 1 năm 2021; Thái Lan tăng 2,7%.

[6] Thời gian gần đây, ngân hàng Credit Suisse có nguy cơ phá sản và buộc phải sáp nhập vào ngân hàng UBS (Thụy Sĩ); có liên tiếp 3 ngân hàng ở Mỹ đã phá sản là: First Republic Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank; tình hình thị trường bất động sản khó khăn, doanh số bán nhà sụt giảm mạnh ở Mỹ, Canada, Trung Quốc…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục