Trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank

17:33' - 22/05/2023
BNEWS Chiều 22/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 22/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trong phiên họp chiều nay, trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Chính phủ cho rằng, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là rất cần thiết.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank là 34.328 tỷ đồng, ở mức thấp so với ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Do đó, nếu Agribank không được tăng vốn sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.

 

Theo quy định pháp luật, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Trên thực tế, tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank mới chỉ đạt mức 7%, thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác. Vì vậy, việc được đầu tư bổ sung thêm vốn điều lệ sẽ giúp Agribank đảm bảo tuân thủ được tỷ lệ an toàn vốn lên trên mức 8% và duy trì ổn định tỷ lệ này theo quy định, hướng đến tuân thủ quy định Basel II.

Bên cạnh đó, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Agribank sẽ giúp Agribank cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh; gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi thực hiện cổ phần hóa. Việc tăng vốn là cơ sở quan trọng để Agribank mở rộng quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với nội dung: Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Agribank, tối đa không quá 17.100 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: Ủy ban nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét về chủ trương quyết định bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là quá chậm so với tiến độ đã nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo  Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong Quý I năm 2022. Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thực hiện nội dung này.

Đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền tối đa là 17.100 tỷ đồng nhằm giúp Ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về cơ sở thực tiễn, bối cảnh hiện nay tác động đến ngân sách Nhà nước, cân đối nguồn thu, nhiệm vụ chi để bảo đảm tính khả thi của đề xuất.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục