Chứng khoán thế giới đa phần giảm điểm trong phiên 16/5

Chứng khoán Âu - Mỹ chủ yếu giảm trong phiên 16/5, khi các nhà giao dịch chờ đợi những diễn biến tiếp theo về một thỏa thuận để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của Chính phủ Mỹ.

Chú thích ảnh
Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,0% xuống 33.012,14 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,6% xuống 4.109,90 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,2% và khép phiên ở mức 12.343,05 điểm.     

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đa phần cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,3% xuống 7.751,08 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) giảm 0,1% xuống 15.897,93 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,2% xuống 7.406,01 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa đi ngang ở mức 4.315,51 điểm.       

Sau cuộc họp tại Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng giới hạn vay liên bang và ngăn chặn khả năng xảy ra vỡ nợ.  
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen một lần nữa nhắc lại lời cảnh báo rằng Chính phủ Mỹ có thể sẽ cạn kiệt nguồn tài chính vào ngày 1/6, đồng nghĩa nước này sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ của mình.

Bà Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, lưu ý nhà đầu tư đang ngày một lo ngại rằng cuộc đàm phán về trần nợ tại Mỹ không đạt được đủ tiến bộ để tránh được kịch bản vỡ nợ. Nếu thành hiện thực, điều này sẽ gây ra những làn sóng chấn động khắp thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ của Mỹ hồi phục thấp hơn dự kiến vào tháng trước ở mức 0,4% cũng khiến thị trường lo lắng. Đặc biệt khi một nhà bán lẻ lớn của nước này - Home Depot báo cáo doanh thu quý đầu tiên suy yếu do chi tiêu của người tiêu dùng giảm.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com cho biết số liệu trên không đủ mạnh để giảm bớt những lo lắng về việc hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu, nhưng cũng không đủ yếu để khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nghĩ rằng họ nên sớm cắt giảm lãi suất.

Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng bị đè nặng bởi dữ liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế đã có dấu hiệu “hụt hơi” của Trung Quốc, với các chỉ số chính không đạt kỳ vọng do nhu cầu trong nước yếu.

Chuyên gia Streeter cho hay thông tin trên làm tăng thêm lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Tại thị trường Việt Nam, khép phiên ngày 16/5, chỉ số VN-Index đã tăng 0,2 điểm (0,02%), lên 1.065,91 điểm. Trong khi tại Sàn giao dịch Hà Nội, chỉ số HNX cũng tăng 0,28 điểm (0,13%), lên 214,62 điểm.

H.Thủy (TTXVN)
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều phiên 16/5
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều phiên 16/5

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều phiên 16/5, bất chấp các dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn so với kỳ vọng, trong khi giá cổ phiếu của nhiều công ty đại chúng Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong 33 năm, nhờ sự phục hồi của các nhà sản xuất chất bán dẫn (chip) sau đà tăng của ngành công nghệ Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN