Washington Post: Ukraine chỉ định Tiểu đoàn Azov tham gia chiến dịch phản công mùa xuân

Tiểu đoàn từng cầm cự trong "pháo đài thép" Azovstal ở Mariupol đang nỗ lực xây dựng lại lực lượng trước khi bước vào cuộc phản công mùa xuân của Ukraine. Nhưng do những tranh cãi xung quanh nguồn gốc cực hữu của tiểu đoàn, Azov vẫn bị cấm tiếp nhận vũ khí phương Tây, kể cả Mỹ.

Chú thích ảnh
Các tân binh tập bắn súng tại một trại huấn luyện của Tiểu đoàn Azov vào ngày 24/3/2023 ở ngoại ô Kiev, Ukraine. Ảnh: Washington Post

Theo tờ Washington Post, sau nhiều tháng chiến tuyến phần lớn khá yên tĩnh, cuộc phản công mùa xuân sẽ rất quan trọng khi Ukraine muốn chứng minh rằng họ có thể cầm cự trước Nga và vẫn xứng đáng nhận được sự hỗ trợ từ những đồng minh nước ngoài, những quốc gia đã đổ hàng tỷ USD vũ khí vào cuộc xung đột.

Để chuẩn bị, Ukraine đã xây dựng lực lượng phản công và Tiểu đoàn Azov được chính phủ nước này chỉ định là một trong sáu "lữ đoàn phản công", dẫn đầu nỗ lực của Kiev nhằm tái chiếm các khu vực bị mất kiểm soát vào tay Moskva.

Tiểu đoàn Azov nổi lên kể từ năm 2014, khi quân đội được trang bị kém của Ukraine xung đột với lực lượng đòi độc lập do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas, miền Đông Ukraine.

Azov, khi đó là một lực lượng tình nguyện, có vai trò then chốt trong việc bảo vệ thành phố chiến lược Mariupol. Đơn vị này được sáp nhập vào Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine vào cuối năm đó.

Sau khi xung đột với Nga bùng nổ vào tháng 2/2022, hàng trăm chiến binh Azov đã cầm cự trong nhiều tuần bên dưới nhà máy thép Azovstal của Mariupol, cùng với một số thường dân bị mắc kẹt.

Họ vẫn cố thủ trong "pháo đài thép" dù không có đủ lương thực, thuốc men trong lúc hứng chịu các không kích dồn dập của Nga.

Vào tháng 5/2022, hàng trăm thương binh đã được sơ tán. Vài ngày sau, các chỉ huy quân sự Ukraine đã ra lệnh cho số tay súng Azov còn lại tại nhà máy thép đầu hàng, kết thúc cuộc bao vây.

Sau những tổn thất nặng nề trong chiến đấu, nhất là trong cuộc chiến bảo vệ thành phố Mariupol nêu trên, hiện nay, Azov đang cố xây dựng lực lượng, hy vọng tuyển dụng được 6.500 chiến binh mới để có thể sẵn sàng tham gia vào việc giải phóng lãnh thổ.

Tuy nhiên, Azov đang phải đối mặt với khó khăn nữa, đó là do những tranh cãi xung quanh nguồn gốc cực hữu của tiểu đoàn, Azov vẫn bị cấm tiếp nhận vũ khí phương Tây, kể cả Mỹ.

Các luật gần đây của Mỹ cấm cung cấp “vũ khí, huấn luyện hoặc hỗ trợ khác cho Tiểu đoàn Azov”. Các biện pháp này được đưa ra khi các nhà lập pháp của cả hai đảng kêu gọi giám sát chặt chẽ lượng viện trợ khổng lồ dành cho Ukraine.

Tuy vậy, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các lệnh cấm trên không có tác dụng thực tế vì Tiểu đoàn Azov – đơn vị mà bộ này mô tả là một “nhóm dân quân” ​​phi nhà nước - đã không tồn tại trong hơn 5 năm qua.

Azov bây giờ “là một đơn vị khác". Người phát ngôn trên nói thêm: “Ukraine đã đồng ý không điều hướng bất cứ nguồn hỗ trợ nào của Mỹ cho những đơn vị được xác định có liên quan (đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan)" như Azov.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)
Những động lực thúc đẩy Trung Quốc tìm cách hòa giải xung đột Nga - Ukraine
Những động lực thúc đẩy Trung Quốc tìm cách hòa giải xung đột Nga - Ukraine

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 26/4 cho biết Bắc Kinh sẽ cử một phái viên tới Kiev để thảo luận về một "giải pháp chính trị" khả dĩ cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN