Ai Cập điều chỉnh đồng hồ sớm hơn 1 giờ để tiết kiệm năng lượng

Ai Cập điều chỉnh đồng hồ sớm hơn 1 giờ để thực hiện giờ mùa Hè nhằm hợp lý hóa việc sử dụng năng lượng để xuất khẩu thu ngoại tệ, giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay.
Ai Cập điều chỉnh đồng hồ sớm hơn 1 giờ để tiết kiệm năng lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Newsendip)

Kể từ 0h ngày 28/4/2023 đến 0h ngày 27/10/2023, Ai Cập chính thức áp dụng “Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” (DST), hay còn gọi là quy ước giờ mùa Hè, để tiết kiệm năng lượng. 

Người dân Ai Cập sẽ điều chỉnh đồng hồ của họ nhanh hơn một giờ sau tháng lễ Ramadan.

Việc điều chỉnh trên xuất phát từ những nỗ lực của chính phủ Ai Cập nhằm hợp lý hóa việc sử dụng năng lượng để xuất khẩu thu ngoại tệ, đồng thời giảm bớt những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu hiện nay.

“Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” là việc chỉnh đồng hồ nhanh thêm 1 giờ khi bắt đầu mùa Hè, và lùi lại một giờ khi bắt đầu mùa Đông. Nhờ đó, vào mùa Hè, người dân sẽ dậy sớm hơn, tận dụng được nhiều thời gian có ánh sáng Mặt Trời hơn và giảm dùng điện ban đêm nhờ ngủ sớm.

“Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” được áp dụng tại Ai Cập từ năm 1988. Tuy nhiên, sau cuộc nổi dậy ngày 25/1/2011 lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak, chính phủ lâm thời của Thủ tướng Essam Sharaf đã quyết định bãi bỏ chương trình này với lý do "không có tác dụng" tiết kiệm điện, dựa theo kết quả nghiên cứu của Bộ Năng lượng.

Đến tháng 5/2014, quốc gia Bắc Phi đã khôi phục quy ước giờ mùa Hè trước khi hủy bỏ quy ước này vào tháng 4/2015.

Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab, đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát hai con số và khủng hoảng tiền tệ ngày càng nghiêm trọng, gây áp lực rất lớn lên nền kinh tế đất nước.

Ai Cập đã ba lần phá giá đồng nội tệ trong năm qua, khiến đồng bảng Ai Cập mất khoảng 50% giá trị so với đồng USD.

Việc giảm giá đồng nội tệ đạt được rất ít tiến bộ trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng ngoại hối dai dẳng hoặc thu hút sự quan tâm đối với thị trường nợ sinh lợi một thời của Ai Cập.

[Ai Cập chính thức gia nhập Ngân hàng Phát triển Mới của Nhóm BRICS]

Do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ai Cập cũng đang phải đối mặt với lạm phát hai con số trong quý 1/2023. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Ai Cập trong tháng 3/2023 đã ở mức 33,9%, tăng mạnh từ 31,9% của tháng 2/2023 và 26,5% ghi nhận trong tháng 1/2023, chủ yếu do giá lương thực tăng mạnh.

Ai Cập đã vay IMF khoảng 20 tỷ USD tính đến nay, khiến quốc gia Bắc Phi này trở thành "con nợ" lớn thứ hai thế giới của IMF sau Argentina.

Sự không chắc chắn về giá trị đồng bảng Ai Cập so với đồng USD đang cản trở thị trường nợ của Ai Cập lấy lại sức hấp dẫn như trước đây. Dòng vốn lên tới 22 tỷ USD đã rút khỏi thị trường nợ Ai Cập kể từ tháng 3/2022, trong khi các nguồn thu xuất khẩu và kiều hối suy giảm.

Ai Cập hy vọng “Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” sẽ giúp hạn chế việc sử dụng điện của đất nước và qua đó tiết kiệm được khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện để xuất khẩu - một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nước này.

Ông Yasseen Mohamed, Phó Chủ tịch Điều hành và Mạng lưới tại Công ty Cổ phần Khí đốt Tự nhiên Ai Cập (EGAS), cho biết: “Ai Cập có kế hoạch hợp lý hóa mức tiêu thụ năng lượng để có thể xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Liên minh châu Âu (EU) và hỗ trợ các nước láng giềng có nhu cầu điện thông qua các đường dây kết nối đã được lên kế hoạch. Điều này sẽ giúp chính phủ tiết kiệm 25 triệu USD khí đốt tự nhiên, được sử dụng để vận hành các nhà máy điện”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục