Hiệu trưởng “cân não” khi học sinh lớp 10 muốn chọn lại môn

Hiệu trưởng “cân não" khi học sinh lớp 10 muốn chọn lại môn

Việc bố trí cho học sinh học lại kiến thức lớp 10 của môn chọn mới trong dịp hè, trước khi vào lớp 11, kéo theo rất nhiều vấn đề khiến các nhà trường bối rối., cần sự hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT.
Hiệu trưởng “cân não" khi học sinh lớp 10 muốn chọn lại môn ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Chỉ hơn một tháng nữa năm học 2022-2023 sẽ kết thúc, cũng là lúc các trường phải bố trí lịch học lại kiến thức lớp 10 cho những em muốn đổi môn lựa chọn. 

“Sẽ bố trí ai dạy? Ai trả lương? Có đảm bảo chất lượng không?... Hàng loạt câu hỏi, hàng loạt vấn đề đặt ra khiến tôi muốn điên đầu,” thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ...

Lo không đảm bảo chất lượng

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học, bắt đầu với lớp 10. Theo đó, giáo dục trung học phổ thông được xác định là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Học sinh không phải học tất cả các môn mà chỉ học bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và thêm ba môn tự chọn trong các môn còn lại.

Tuy nhiên, sau quá trình học, có những học sinh muốn chọn lại môn. Thầy Lê Văn Dỵ cho hay ngay từ khi hết học kỳ một, một số học sinh và phụ huynh của trường tha thiết bày tỏ nguyện muốn chuyển đổi môn học do cảm thấy không phù hợp.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh được phép đổi môn học nhưng phải đợi đến hết năm học lớp 10. Các em được tận dụng thời gian hè để học lại phần kiến thức lớp 10 của môn chọn mới với sự hỗ trợ của các nhà trường.

Nhưng từ thực tế công tác đào tạo, thầy Dỵ cho rằng điều này nảy sinh rất nhiều khó khăn và đặc biệt là vấn đề đảm bảo chất lượng. “Cả năm lớp 10 các em không học môn đó, không có phần gốc nhưng muốn học tiếp phần ngọn thì buộc phải quay lại học phần gốc cấp tốc trong ba tháng hè, trong khi các bạn học 9 tháng mới hết. Việc làm sao vẫn đảm bảo kiến thức của cả một năm học lớp 10 gấp rút trong thời gian ngắn để các em có thể tiếp tục học chương trình lớp 11 ngay đầu năm học mới là câu hỏi khó,” thầy Dỵ chia sẻ.

Cùng vấn đề này, thầy Lâm Bình Hưng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiêm Hóa (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) cho hay việc dạy bổ sung thêm các môn mà ở tổ hợp mới các em chưa được học là rất khó khăn cho các cơ sở giáo dục. “Các em bỏ kết quả môn đã chọn để học một môn mới mà suốt cả năm lớp 10 các em chưa học một tiết nào và phải học bù gấp rút trong ba tháng, không đảm bảo thời lượng nên khó đảm bảo yêu cầu chất lượng,” thầy Hưng nói.

Đây cũng là vấn đề trăn trở của thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). “Học cả năm vẫn còn trầy trật mà giờ lại chỉ học trong vài tháng hè thì sẽ học như thế nào, nhất là những môn học đòi hỏi nền tảng tư duy, kiến thức vững mới có thể tiếp tục theo học tở ở lớp 11,” thầy Bình đặt câu hỏi.

Nảy sinh nhiều khó khăn

Phân tích từ góc độ quản lý, thầy Lâm Bình Hưng cho biết việc bố trí cho học sinh học lại kiến thức lớp 10 của môn chọn mới trong dịp hè, trước khi vào lớp 11, kéo theo rất nhiều vấn đề khiến nhà trường bối rối.

Cụ thể, trường rất lúng túng trong việc bố trí lớp, bố trí thời gian, hình thức dạy như thế nào để đảm bảo kiến thức cho các em vì không phải tất cả các học sinh đều chọn lại môn học giống nhau. Việc phân công ai giảng dạy, trả lương cho các giáo viên đó như thế nào là vấn đề khó khăn.

“Chúng tôi hiện cũng chưa biết sẽ giải quyết các nội dung này như thế nào và rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các trường có thể thực hiện dễ dàng hơn,” thầy Hưng kiến nghị.

[Chọn môn tổ hợp lớp 10: Chưa đo chân đã bắt đóng giày]

Đây cũng là băn khoăn lo lắng của thầy Lê Văn Dỵ. “Thứ nhất, việc vận động giáo viên đi dạy vào dịp hè đã khó vì theo quy định, họ được nghỉ dạy mà vẫn có lương. Thứ hai là ai trả kinh phí? Thứ ba bộ máy chỉ đạo, quản lý, giám sát…sẽ vẫn phải hoạt động như bình thường nếu trường có tổ chức dạy trong hè. Tôi là hiệu trưởng và tôi điên đầu về các vấn đề này,” thầy Lê Văn Dỵ bức xúc nói.

Cũng theo thầy Dỵ, việc học sinh được chọn môn học còn dẫn đến khó khăn cho các em là nếu muốn chuyển trường thì trường nơi chuyển đến phải có tổ hợp trùng với tổ hợp các em đã học ở trường cũ.

Bên cạnh đó, việc học sinh chọn môn dẫn đến vấn đề thừa thiếu giáo viên càng trở nên phức tạp hơn khi có những môn rất nhiều học sinh chọn, có môn lại rất ít em mặn mà.

“Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang phải vận động học sinh trong việc chọn môn. Nhưng khi phải học các môn mà mình không thực sự muốn, các em cũng có tâm lý gò bó, không thoải mái, và cũng không đạt đúng mục tiêu chương trình đề ra là các em được chọn môn. Tuy nhiên, nhà trường cũng không biết phải làm thế nào,” thầy Dỵ chia sẻ.

Với rất nhiều vấn đề phát sinh, hiệu trưởng các trường đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại việc cho học sinh chọn môn, dự báo những vấn đề nảy sinh và có hướng dẫn cụ thể cho các trường về hướng giải quyết các vấn đề đó./.

Thầy Lâm Bình Hưng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chia sẻ về việc chọn lại môn học ở lớp 10:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục