Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt ngưỡng gần 1 triệu lượt khách

Theo Sở Du lịch Hà Nội, 3 tháng đầu năm 2023, dự kiến khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 5,9 triệu lượt, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 978,7 nghìn lượt, tăng 5,9 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Chú thích ảnh
Cầu Thê Húc nối từ Hồ Hoàn Kiếm ra đền Ngọc Sơn luôn là điểm "check in" hấp dẫn du khách. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Hà Nội hiện có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 602 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao, với 25.432 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,2% tổng số phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao, ước đạt khoảng 56,5%, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn, Hà Nội hiện có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan, mua sắm.

Ngành Du lịch Hà Nội hiện tập trung nâng cấp, phát triển các tuyến du lịch từ trung tâm thành phố đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kết nối với khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình); khu vực Sơn Tây - Ba Vì; Thạch Thất - Quốc Oai; Đông Anh - Sóc Sơn. Các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương cũng được đẩy mạnh triển khai như: Sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn; du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn; du lịch bay khinh khí cầu tại các quận Tây Hồ, Long Biên, thị xã Sơn Tây...

Hà Nội cũng triển khai các sản phẩm du lịch đêm, như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam vành đai 3, quận Hoàng Mai; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng... Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch, đặc biệt điểm đến di tích, di sản xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống.

Trong công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, ngành Du lịch Thủ đô triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, ở khu vực phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên..., nhằm xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách du lịch; một mặt tham gia các chương trình quảng bá du lịch tại các thị trường trên thế giới, đón các đoàn phóng viên báo chí và doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đến khảo sát sản phẩm du lịch tại Hà Nội…

Đinh Thuận (TTXVN)
Hà Nội dự kiến khôi phục tàu du lịch hồ Tây
Hà Nội dự kiến khôi phục tàu du lịch hồ Tây

Sau 6 năm tạm dừng, Hà Nội đang lấy ý kiến về việc khôi phục tàu du lịch và các loại hình dịch vụ tại hồ Tây. Dự thảo quy định quản lý Hồ Tây nêu 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động là: Kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy; dịch vụ bơi thuyền; hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN