Indonesia phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong việc thu phí giao thông

Ủy ban chống tham nhũng Indonesia phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động quản lý thu phí các tuyến đường giao thông, dẫn đến thiệt hại khoảng 4.500 tỷ rupiah (292 triệu USD).
Indonesia phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong việc thu phí giao thông ảnh 1Một tuyến đường cao tốc ở Indonesia. (Nguồn: Tempo)

Ủy ban chống tham nhũng Indonesia (KPK) ngày 7/3 thông báo đã phát hiện nhiều vấn đề nghi vấn tham nhũng liên quan đến hoạt động quản lý thu phí các tuyến đường giao thông ở Indonesia.

Theo KPK, những dấu hiệu nghi vấn tham nhũng xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn từ quá trình chuẩn bị, đấu thầu, tài trợ, xây dựng, đến vận hành bảo trì.

Có ít nhất 12 thực thể kinh doanh đường bộ thu phí (BUJT) chưa hoàn trả 4.200 tỷ rupiah (khoảng 272 triệu USD) quỹ của Cơ quan Dịch vụ công (BLU). Trong số đó, có đến tám doanh nghiệp không thể hoàn thành các khoản thanh toán vào năm 2024.

Theo KPK, kể từ năm 2016, Chính phủ Indonesia lên kế hoạch xây dựng 2.923km đường thu phí với nguồn kinh phí ước tính ban đầu là 593.200 tỷ rupiah (khoảng 39 tỷ USD). Tuy nhiên, KPK đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thực thi, đặc biệt BUJT đã không thực hiện đúng nghĩa vụ, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 4.500 tỷ rupiah (292 triệu USD).

Theo thông báo của KPK, hầu hết các doanh nghiệp đã không áp dụng quy định mới về thu phí mà chính phủ đề ra nhằm trục lợi.

[Indonesia bắt quan chức cảnh sát bị cáo buộc nhận hối lộ 3,2 triệu USD]

Với quy định hiện hành, các doanh nghiệp thu phí cần phải trích một phần lợi nhuận đóng thuế cho nhà nước và chính quyền địa phương để thực hiện nghĩa vụ đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ cuộc sống người dân địa phương nơi có tuyến đường đi qua.

Về quy trình đấu giá, hồ sơ mời thầu cũng không có đầy đủ thông tin về điều kiện kỹ thuật của đường thu phí. Do đó, nhà thầu thắng thầu phải thực hiện các điều chỉnh dẫn đến việc xây dựng bị trì hoãn.

Trong khi đó, quá trình giám sát chưa giảm thiểu được các vấn đề còn tồn tại liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ BUJT. Kết quả là việc thực hiện các nghĩa vụ của BUJT không được giám sát một cách tối ưu.

KPK cũng nhận thấy không có quy định liên quan đến việc bàn giao tiếp tục quản lý đường thu phí. Điều này khiến cơ chế sau khi ủy quyền nhượng quyền từ BUJT cho chính phủ có sự nhầm lẫn.

Ngoài ra, KPK cho rằng việc giám sát yếu kém đã dẫn đến việc một số BUJT không thanh toán các nghĩa vụ của họ và điều này có khả năng gây ra thiệt hại tài chính nhà nước lên tới 4.500 tỷ rupiah./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục