Kinh tế Nga đứng vững nhưng con đường trở lại sự thịnh vượng còn xa

Các dự báo nội bộ được đưa ra ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine một năm trước cho rằng kinh tế Nga sẽ giảm hơn 10% trong năm 2022, vượt mức giảm trong cuộc khủng hoảng 1998.
Kinh tế Nga đứng vững nhưng con đường trở lại sự thịnh vượng còn xa ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế Nga vẫn vững vàng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây trong năm ngoái, nhưng có thể mất nhiều thời gian mới quay về mức trước khi xảy ra xung đột với Ukraine.

Các dự báo nội bộ được đưa ra ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine một năm trước cho rằng kinh tế Nga sẽ giảm hơn 10% trong năm 2022, vượt mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Tuy nhiên, số liệu sơ bộ mà cơ quan thống kê Rosstat đưa ra cho thấy mức giảm nhẹ hơn nhiều, ở mức 2,1% trong năm ngoái.

Ngân hàng trung ương Nga, đứng đầu là bà Elvira Nabiullina, đã kiểm soát tốt tình hình, dù mất khả năng tiếp cận với số dự trữ ngoại tệ trị giá 300 tỷ USD.

Trước khi xung đột xảy ra, Chính phủ Nga dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3% trong năm ngoái.

Nhà phân tích Grigory Zhirnov của kênh My Investments Telegram cho rằng kinh tế Nga sẽ không đạt quy mô của năm 2021 cho đến năm 2025 và quy mô kinh tế có thể đạt được vào năm ngoái nếu không xảy ra xung đột sẽ bị đẩy lùi đến 10 năm tới.

Nga đang tìm kiếm các thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt ở châu Á và duy trì nguồn cung hàng hóa tiêu dùng bằng con đường nhập khẩu hợp pháp nhưng không qua nhà phân phối chính thức.

[Tổng thống Putin: Kinh tế Nga đứng vững trước các biện pháp trừng phạt]

Theo ông Putin, nỗ lực "phi USD hóa" có nghĩa đồng ruble đã tăng gấp đôi tỷ trọng trong các thanh toán quốc tế của Nga. Trong khi đó, các ngân hàng đang tìm kiếm các công cụ trong nước để đạt lợi nhuận. Ông cũng kêu gọi về sự phát triển trong nước bền vững và việc xây dựng một nền kinh tế tự túc.

Tuy nhiên, Nga đang tăng chi cho quốc phòng và giảm chi cho các bệnh viện và trường học, điều có thể ảnh hưởng đến việc phát triển cơ cở hạ tầng dân sự về kinh tế.

Chi ngân sách tăng và nguồn thu giảm đã dẫn đến thâm hụt ngân sách 25 tỷ USD trong tháng 1/2023, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá dầu cao thông thường sẽ góp phần làm tăng Quỹ Đầu tư Quốc gia (NWF) nhưng khi xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hiện chịu ảnh hưởng do các lệnh cấm vận và trần giá, Nga đang bán nhân dân tệ trong NWF để bù vào thâm hụt.

Trong khi Bộ Tài chính Nga cam kết sẽ không để tình trạng thâm hụt ngân sách mất kiểm soát, việc thâm hụt ngân sách khiến khả năng chi của Nga trong tương lai có nguy cơ giảm và làm tăng rủi ro lạm phát.

Ngân hàng trung ương Nga cảnh báo có thể tăng lãi suất từ mức 7,5% trong năm nay thay vì cắt giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục