Vai trò bất ngờ của chiến đấu cơ J-7 do Trung Quốc chế tạo trong chiến tranh hiện đại

Theo tờ Global Times (Trung Quốc), chiếc Chengdu J-7 cuối cùng có thể sẽ “xuất ngũ” trong năm nay. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chiến đấu cơ có từ những năm 1960 này sẽ không còn bay nữa.

Chú thích ảnh
Những chiếc J-7 của Trung Quốc được chụp trên bầu trời năm 1999. Ảnh: Getty Images

Tờ Business Insider (Mỹ) đưa tin có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể biến J-7 thành các máy bay không người lái.

Việc ngừng hoạt động của chiếc J-7 bắt đầu vào năm 2018, đánh dấu bước chuyển mình của lực lượng không quân Trung Quốc. Trung Quốc đã triển khai các loại máy bay tiên tiến thiết kế trong nước như tiêm kích J-16 và J-20, cũng như các phi cơ nhập khẩu mới hơn của Nga như Su-27 và Su-30.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Không quân Trung Quốc sử dụng khoảng 350 chiếc J-7 và J-8 (một biến thể của J-7). Thêm vào đó là 24 chiếc J-8 khác do Hải quân Trung Quốc vận hành. Ông Rod Lee tại Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Trung Quốc thuộc Không quân Mỹ nhận định: “Việc loại bỏ J-7 sẽ đánh dấu chuyển đổi hoàn toàn sang máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm của Không quân Trung Quốc”.

J-7 được coi là bản sao chép chiếc MiG-21 của Liên Xô. Chuyên gia hàng không Andreas Rupprecht cho biết, vào năm 1961, Liên Xô đồng ý cung cấp thiết kế MiG-21 mới cho Trung Quốc, bao gồm tài liệu kỹ thuật, vật liệu, một số khung máy bay và động cơ. Nhưng khi rạn nứt giữa Moskva và Bắc Kinh ngày càng lớn, Liên Xô đã không cung cấp tất cả mọi thứ. Trung Quốc nhanh chóng bắt đầu thiết kế J-7 và chiến đấu cơ này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1966.

Theo ông Rupprecht, chiếc J-7 đời đầu là sự thất vọng: "Nó có sức chứa nhiên liệu bên trong rất khiêm tốn và do đó hạn chế tầm hoạt động. Chỉ với một khẩu súng, hỏa lực của nó không đủ. Nó còn gặp rắc rối bởi độ tin cậy kém và ghế phóng có những sai sót nghiêm trọng". Ngoài ra, J-7 có lỗi sản xuất và buồng lái không phù hợp với phi công Trung Quốc.

Sau đó J-7 được cập nhật liên tục cho khung máy bay và điện tử hàng không, với hơn 2.400 chiếc được sản xuất bởi Tập đoàn Máy bay Chengdu. Việc sản xuất đã dừng lại vào năm 2013.

Năm 2021, Trung Quốc điều bốn chiếc J-7 bay cùng J-16 hiện đại. Điều này khiến các nhà quan sát cho rằng J-7 thực chất được chuyển thành máy bay không người lái.

Trong khi đó, tờ Global Times cũng đưa tin: “Những chiếc J-7 đã ‘nghỉ hưu’ có thể được dành cho huấn luyện và thử nghiệm, hoặc chúng có thể được sửa đổi để trở thành máy bay không người lái và đóng vai trò mới trong chiến tranh hiện đại”.

Theo Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell (Mỹ), Trung Quốc có thể chuyển J-7 và nhiều chiến đấu cơ khác thành máy bay không người lái chiến đấu. Ông Daniel Rice tại Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell, đã viết trong một bài báo gần đây: “Chi phí chuyển đổi phi cơ cũ thành máy bay không người lái chiến đấu tương đối thấp, nhưng chúng vẫn giữ được nhiều đặc điểm của biến thể có người lái. Các khung máy bay được chuyển đổi có cùng hiệu suất, tính linh hoạt và năng lực tải trọng như nền tảng ban đầu. Chúng cũng giảm nguy cơ thương vong trong chiến đấu".

Vào tháng 6/2022, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin rằng một người đã thiệt mạng và 2 người bị thương khi một máy bay chiến đấu J-7 rơi xuống thành phố Tương Dương, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Chiếc J-7 gặp nạn trong lúc bay huấn luyện và rơi xuống khu vực gần một sân bay, "gây thiệt hại một số nhà dân”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Business Insider)
Đức, Italy bình luận về khả năng chuyển giao chiến đấu cơ hiện đại cho Ukraine
Đức, Italy bình luận về khả năng chuyển giao chiến đấu cơ hiện đại cho Ukraine

Báo La Repubblica hôm 20/2 đưa tin Chính phủ Italy đang bí mật xem xét các phương án gửi máy bay quân sự tới Kiev. Trong khi đó, Đức cho hay nước này không sở hữu những loại chiến đấu cơ mà Kiev yêu cầu viện trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN