Nghiệp đoàn công nhân đường sắt Anh bác bỏ đề xuất mới về lương

Nghiệp đoàn công nhân đường sắt lớn nhất Anh cho rằng đề xuất của các công ty đường sắt không đáp ứng nguyện vọng của nhân viên về lương, công việc hay điều kiện làm việc.
Nghiệp đoàn công nhân đường sắt Anh bác bỏ đề xuất mới về lương ảnh 1Công nhân ngành đường sắt tham gia đình công tại London, Anh, ngày 12/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công đoàn Đường sắt, Hàng hải và Giao thông vận tải (RMT) - nghiệp đoàn công nhân đường sắt lớn nhất Anh - ngày 10/2 đã bác bỏ đề xuất trả lương mới nhất của các công ty đường sắt, dấu hiệu cho thấy người dân nước này tiếp tục đối mặt với tình trạng giao thông bị gián đoạn do các cuộc đình công kể từ mùa Hè năm ngoái. 

RMT cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi đã tham khảo ý kiến 40.000 thành viên là nhân viên đường sắt.

Tổng Thư ký RMT Mick Lynch cho rằng đề xuất của các công ty đường sắt không đáp ứng nguyện vọng của nhân viên về lương, công việc hay điều kiện làm việc.

Theo ông Lynch, các hoạt động đình công sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi đạt được một thỏa thuận đáp ứng kỳ vọng của các thành viên về những vấn đề trên. 

Nghiệp đoàn TSSA đại diện cho các lái tàu đường sắt cho biết hàng nghìn lao động sẽ bỏ phiếu về các đề xuất của giới chủ nhưng TSSA không chính thức khuyến nghị các thành viên chấp nhận hay từ chối các đề xuất này.

Theo TSSA, các đề nghị mà họ nhận được đã thể hiện sự tiến bộ trong một số lĩnh vực, nhưng họ sẽ tiếp tục bỏ phiếu về việc tổ chức các cuộc đình công và tranh cãi vẫn đang xảy ra. 

Trong khi đó, nghiệp đoàn RDG đại diện cho các hãng điều hành đường sắt cho rằng nhiều hành khách và thành viên RMT sẽ "rất thất vọng" khi RMT bác bỏ đề xuất mà không tham khảo đầy đủ ý kiến của các thành viên bằng hình thức bỏ phiếu.

[Vận tải đường sắt tại Anh bị gián đoạn nghiêm trọng do đình công]

RDG nhấn mạnh đề xuất của họ là "tốt nhất và cuối cùng," cho biết họ sẽ cải thiện dịch vụ để đổi lấy việc tăng lương 5% và 4% lần lượt trong các năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, RDG tuyên bố sẵn sàng tiếp tục thương lượng với các tổ chức công đoàn. 

Kể từ mùa Hè năm ngoái, Vương quốc Anh đã đối mặt với khủng hoảng đình công nghiêm trọng.

Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát gần 11% - mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, nước Anh đang chứng kiến làn sóng đình công trên diện rộng - từ nhân viên ngành y tế, ngành vận tải cho tới người lao động tại các kho hàng của công ty công nghệ đa quốc gia Amazon và nhân viên công ty bưu chính Royal Mail.

Những người lao động yêu cầu tăng lương phù hợp với đà tăng của lạm phát để có thể trang trải các hóa đơn thực phẩm và năng lượng tăng vọt, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục