Mỹ: Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện thảo luận nâng trần nợ công

Sau buổi thảo luận với Tổng thống Biden về việc nâng trần nợ công, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung, song cuộc thảo luận "không có dấu hiệu đột phá ngay lập tức."
Mỹ: Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện thảo luận nâng trần nợ công ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ngày 1/2 đã có cuộc thảo luận đầu tiên về việc nâng trần nợ công của nước này.

Sau cuộc thảo luận, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết ông và Tổng thống có thể tìm thấy tiếng nói chung, tuy nhiên cuộc thảo luận "không có dấu hiệu đột phá ngay lập tức."

Cùng ngày, các thành viên Hạ viện Mỹ đã họp kín và trong cuộc họp này, nhiều nhà lập pháp Mỹ không tin rằng việc nâng trần nợ là điều nên làm. Một số người theo đường lối cứng rắn cho biết họ chấp nhận viễn cảnh vỡ nợ nếu như chính phủ không cắt giảm chi tiêu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tháng trước cho biết trần nợ công của Mỹ đã chạm mốc 31.400 tỷ USD. Bà cho rằng chính phủ cần phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" để tránh nguy cơ vỡ nợ vào sớm nhất là tháng Sáu tới.

Trần nợ là ngưỡng mà Quốc hội Mỹ đặt ra cho chính phủ liên bang, chỉ cho phép chính phủ được vay tiền tới một giới hạn nhất định để trang trải các khoản chi tiêu như trợ cấp an sinh xã hội, lương cho quân nhân, tiền lãi nợ quốc gia, tiền hoàn thuế…

Theo quy định của luật pháp Mỹ, mỗi khi tổng số nợ mà Bộ Tài chính vay đã “kịch trần” thì bộ này phải đề nghị Quốc hội nâng trần nợ, nếu không sẽ không được vay thêm. Do chính phủ Mỹ chi nhiều hơn thu nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngân sách thâm hụt, buộc chính phủ phải đi vay để bù vào khoản thâm hụt đó.

Chỉ Quốc hội Mỹ mới được phép ấn định số tiền mà chính phủ nước này có thể vay và điều này được thực hiện thông qua một cuộc bỏ phiếu. Trong cuộc lấy ý kiến gần nhất được tiến hành cuối năm 2021, trần nợ của Mỹ đã được ấn định ở mức 31.400 tỷ USD.

[Mỹ cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu nếu vỡ nợ]

Để tránh nguy cơ vỡ nợ, Quốc hội Mỹ cần thống nhất nâng trần nợ. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhất là trong bối cảnh lưỡng viện Mỹ đang chia đôi quyền lực.

Đảng Cộng hòa, phe nắm Hạ viện, đang sử dụng mối đe dọa vỡ nợ để buộc phe Dân chủ, những người đang kiểm soát Thượng viện chấp nhận cắt giảm ngân sách.

Hôm 20/1 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Yellen đã cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nếu không trả được nợ.

Bà Yellen đưa ra bình luận trên khi Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu thực hiện "các biện pháp đặc biệt” để đảm bảo chính phủ không bị vỡ nợ, bao gồm việc tạm thời mua lại các khoản đầu tư hiện có và đình chỉ các khoản đầu tư mới của các Quỹ Hưu trí và Người khuyết tật, Quỹ Phúc lợi y tế hưu trí.

Trong lá thư gửi tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy một tuần trước đó, bà Yellen viết: “Chính phủ nếu không trả được nợ sẽ gây thiệt hại không thể bù đắp cho nền kinh tế Mỹ, đời sống của tất cả người dân Mỹ và sự ổn định tài chính toàn cầu.

Tôi trân trọng hối thúc Quốc hội ra tay kịp thời để bảo vệ uy tín của Mỹ.”

Mỹ: Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện thảo luận nâng trần nợ công ảnh 2Đầu tháng Một, Tổng thống Joe Biden khẳng định kinh tế Mỹ đang chứng kiến "những điểm rất sáng" sau một vài năm khó khăn. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng “các biện pháp đặc biệt” nêu trên chỉ có thể giúp ích trong một thời gian ngắn, dự kiến không quá sáu tháng, và thời điểm Bộ Tài chính không còn khả năng sử dụng các biện pháp như trên là "rất không chắc chắn” - theo bà Yellen.

Các số liệu tài chính liên bang tháng trước cho thấy khoản nợ của Chính phủ Mỹ đã tăng lên hơn 31.400 tỷ USD, vượt mức trần do Quốc hội nước này đặt ra trong lần tăng trần nợ công hồi cuối năm 2021.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát mới công bố gần đây của Wall Street Journal cho thấy gần 70% các nhà kinh tế được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Hồi đầu tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định kinh tế Mỹ đang chứng kiến “những điểm rất sáng” sau một vài năm khó khăn, mặc dù nhiều gia kinh tế cũng như các nhà đầu tư và doanh nghiệp gần đây đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái.

Chính quyền của Tổng thống Biden đánh giá khả năng suy thoái là khó xảy ra, một phần nhờ vào kế hoạch chi tiêu liên bang. Ông Biden cho rằng các khoản đầu tư công và tư trị giá 3.500 tỷ USD dành cho công nghệ và sản xuất trong thập kỷ tới sẽ thúc đẩy kinh tế nước này, và củng cố triển vọng với các công ty và người lao động Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục