Nghị quyết 01/NQ-CP:

Chủ động xử lý nhà thầu yếu tại các dự án giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng, đặc biệt là các dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Chú thích ảnh
Các phương tiện thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị. Ảnh tư liệu: Nguyên Lý/TTXVN

Đây là một trong những chỉ đạo mới nhất của người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải tại cuộc họp về triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải vừa diễn ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nền kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong bối cảnh đó ngành giao thông vận tải triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn, kế hoạch vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước tới nay (94.161 tỷ đồng, lớn gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022).

“Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức nên lãnh đạo Bộ thực sự sốt ruột và lo lắng nếu tất cả các cơ quan đơn vị, cá nhân liên quan không thực sự nỗ lực, có giải pháp hiệu quả, cách làm và tư duy đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Để hoàn thành mục tiêu nói trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu liên quan của Bộ có tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án, đồng thời chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng các dự án ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải phân công trách nhiệm cụ thể từng lãnh đạo đơn vị theo dõi tiến độ thực hiện của từng dự án, báo cáo về Bộ Giao thông vận tải (qua Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Vụ Kế hoạch - Đầu tư) để theo dõi, chỉ đạo; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý đối với từng dự án, báo cáo Bộ Giao thông vận tải làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.

Để đảm bảo tiến độ công tác giải ngân, Bộ trưởng nêu 4 nguyên tắc: các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt. Việc giải phóng mặt bằng phải càng nhanh càng tốt, đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Chính phủ ấn định là quý II/2023 địa phương phải bàn giao toàn bộ mặt bằng. Tuy nhiên, các ban quản lý dự án phải xác định tư tưởng và hành động một cách quyết liệt, chủ động bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất đảm bảo sớm khởi công, tăng tốc thi công dự án. 

Việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Năm nay, ngành giao thông vận tải không thiếu tiền, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó. Đồng thời, tập trung làm cuốn chiếu để giải ngân được nhiều nhất, muốn như vậy phải sẵn sàng kế hoạch, con người thiết bị đầy đủ.

Các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Tức là có thể triển khai song song nhiều việc như vừa thiết kế bản vẽ thi công, vừa thi công trên cơ sở từng phần bản vẽ được duyệt, vừa đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới. Tuy nhiên, tất cả các nguyên tắc phải thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật.

Rút kinh nghiệm từ các Dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án vừa cũng là chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng theo các quy định cũng như hợp đồng đã ký kết. Những nhà thầu nào không đạt yêu cầu phải có chế tài và xử lý ngay.

“Trách nhiệm cao nhất của các Ban quản lý dự án. Nếu không làm được thì các lãnh đạo đơn vị này phải chịu trách nhiệm cao nhất trước lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Quang Toàn (TTXVN)
Khẩn trương phê duyệt đầu tư các dự án giao thông lớn
Khẩn trương phê duyệt đầu tư các dự án giao thông lớn

Thông tin về tình hình triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án và tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải diễn ra chiều 1/2, ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, thời điểm hiện tại, 57/63 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN