Malaysia siết chặt quản lý các quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả COVID-19

Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia cho biết hơn 100 công ty đã bị điều tra vì đã biển thủ công quỹ với số tiền lên đến khoảng 50 triệu USD, trong đó 34 giám đốc công ty đã phải ra hầu tòa.
Malaysia siết chặt quản lý các quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả COVID-19 ảnh 1Đồng Ringgit của Malaysia. (Ảnh: Reuters)

Năm 2022, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã bắt giữ 133 chủ sở hữu và giám đốc công ty với cáo buộc biển thủ và gây thất thoát quỹ hỗ trợ và viện trợ của chính phủ trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Phó Chủ nhiệm MACC, ông Ahmad Khusairi Yahaya, cho biết hơn 100 công ty đã bị điều tra vì đã biển thủ công quỹ với số tiền lên đến khoảng 194 triệu ringgit (khoảng gần 50 triệu USD). 34 chủ sở hữu hoặc giám đốc công ty đã phải ra hầu tòa.

Ngày 26/1, website của MACC đã đăng tải bài viết của ông Ahmad Khusairi Yahaya có nhan đề “Thất thoát và hành vi sai trái trong việc quản lý quỹ,” trong đó nêu rõ việc tham ô và rò rỉ quỹ hỗ trợ và viện trợ của chính phủ là một vấn đề nghiêm trọng cần phải được xử lý ngay lập tức.

Đồng thời ông nhấn mạnh, MACC đã tập trung vào việc giải quyết các vấn đề gây thất thoát và biển thủ quỹ trong tất cả các cơ quan công quyền và mọi lĩnh vực.

[Cựu đệ nhất phu nhân Malaysia bị kết án tù 10 năm vì tham nhũng]

Quan chức cơ quan chống tham nhũng của Malaysia chỉ ra rằng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều người đã bị ảnh hưởng do mất việc và thậm chí phá sản. Một số người buộc phải đóng cửa doanh nghiệp do bất ổn kinh tế.

Để giảm bớt gánh nặng cho họ, chính phủ đã lập ra nhiều quỹ hỗ trợ, cung cấp các khoản vay, triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng và các chương trình hỗ trợ tài chính đặc biệt, nhưng đã có sự thất thoát và biển thủ nghiêm trọng.

Có những cá nhân, lãnh đạo các công ty và tổ chức đã lợi dụng chức quyền, vị trí của mình để trục lợi trên sự đau khổ của những người bị ảnh hưởng và cần phải bị nghiêm trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục