Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao.
Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ảnh 1Vườn vải của một hợp tác xã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những năm qua, hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, hoạt động hợp tác xã vẫn đối mặt nhiều khó khăn như quy mô vốn, tài sản thấp, tích lũy chậm; tỷ lệ hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế... Đặc biệt, việc các hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị còn thấp.

Hoạt động của các hợp tác xã phục hồi và phát triển

Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, năm 2022, cả nước đã thành lập mới được 2.187 hợp tác xã, đạt 109,35% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Đến nay, cả nước có tổng cộng 29.021 hợp tác xã, trong đó có 19.384 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 68,8%, 8.456 hợp tác xã phi nông nghiệp, chiếm 29,1%.

Các hợp tác xã thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên với 2,6 triệu lao động. Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã khoảng 54.150 tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã. Tổng giá trị tài sản của các hợp tác xã khoảng 187.750 tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng.

Cả nước hiện có 125 Liên hiệp hợp tác xã (có 17 Liên hiệp hợp tác xã được thành lập mới), trung bình có 6 hợp tác xã tham gia Liên hiệp hợp tác xã, tạo việc làm cho 39.750 lao động. Doanh thu bình quân của các liên hiệp hợp tác xã là 258 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm.

Một số Liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn như: Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Coop), doanh thu 32.000 tỷ đồng/năm, Liên hiệp hợp tác xã nông sản an toàn Sơn La, Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp-tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop); Liên hiệp hợp tác xã Artermia Vĩnh Châu, Liên hiệp hợp tác xã chế biến-xuất khẩu thanh long xuất khẩu Bình Thuận...

Kinh tế hợp tác xã phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước.

Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, thực hiện liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn cả nước phục hồi và phát triển. Hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, liên kết chuỗi giá trị để gia tăng sản lượng, năng suất, giảm chi phí đầu vào, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng về số lượng và giá trị các dịch vụ cung ứng cho thành viên, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Doanh thu của các hợp tác xã tăng bình quân khoảng 5,6% so với năm 2021.

Nhiều hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi phương thức quản trị truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Kết quả khảo sát của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh có tới 83,5% số hợp tác xã được khảo sát cho rằng việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% số hợp tác xã đã có kế hoạch chuyển đổi số, 68% hợp tác xã sử dụng ít nhất một một phương thức bán hàng trực tuyến.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ thành lập mới 1.600 hợp tác xã nông nghiệp trong năm 2023 này, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên con số 22.500, trong đó trên 65% xếp loại tốt, khá. Cùng với đó, có trên 20.500 trang trại theo tiêu chí mới.

Định hướng của ngành nông nghiệp là hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, kết nối thị trường.

Đồng thời, đổi mới, nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội trong tham gia trong xây dựng chính sách, điều hành thị trường, cung cấp thông tin, kết nối thị trường, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội ngành hàng, liên hiệp hợp tác xã.

Ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm; phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng, miền, địa phương phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ảnh 2Mô hình liên kết sản xuất giống nho mới NH 01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP của thành viên hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành nông nghiệp sẽ đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp như: chính sách phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học-công nghệ, thị trường, kết cấu hạ tầng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp như rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật; cơ cấu lại các hợp tác xã tín dụng, nhất là xử lý một số hợp tác xã tín dụng yếu kém.

Cùng với đó, tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hợp tác xã nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến nay, cả nước có 94 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và gần 21.000 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và trên 2.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Đặc biệt, cả nước có 2.297 hợp tác xã nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, 145 hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp gia xuất nhập khẩu và 1.200 hợp tác xã là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước.

Bên cạnh đó, đến nay cả nước có 18.945 trang trại theo tiêu chí mới; trong đó có 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.586 trang trại nuôi thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp.

Hiện có 800 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 42 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, 2.285 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục