Bình Thuận tăng diện tích vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP

Sáng ngày 6/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020- 2022, triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023.

Chú thích ảnh
Chăm sóc Thanh long Bình Thuận. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, mục đích của sản xuất thanh long VietGAP là tạo ra nguồn thực phẩm đạt chất lượng, an toàn tới tay người tiêu dùng. Chứng nhận VietGAP có ý nghĩa rất lớn, góp phần khẳng định tên tuổi, thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long. Sản xuất thanh long theo hướng VietGAP đang ngày càng tạo ra môi trường sản xuất bền vững và hiệu quả. Vì vậy, sản xuất thanh long VietGAP tại Bình Thuận là chủ trương lớn luôn được quan tâm, chú trọng đẩy mạnh triển khai.

Từ khi triển khai, chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay. Hầu hết nông dân đã nắm chắc phương pháp sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Kiến thức của người dân được nâng lên, nông dân đã biết lựa chọn các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học hoặc hữu cơ thay thế dần cho các sản phẩm có nguồn gốc hóa học, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường đất và nguồn nước ngầm và bảo vệ sức khỏe của chính những người trực tiếp sản xuất.

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá thanh long xuống thấp; thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn chưa được ổn định; sản xuất thanh long an toàn nhưng chưa gắn kết với thị trường tiêu thụ nên chưa khuyến khích người dân phát triển sản xuất thanh long an toàn, dẫn đến diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giảm mạnh.

Tính đến cuối tháng 12/2022, diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh còn khoảng 26.977 ha, giảm 5.283 ha so với năm 2021; sản lượng đạt hơn 600.000 tấn. Giai đoạn 2020- 2022, toàn tỉnh chỉ có 9.063 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt 80% kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh hiện có 109 tổ hợp tác được cấp Giấy chứng nhận sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; 22/59 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, làm rõ những tồn tại, khó khăn khiến diện tích thâm canh giảm sâu theo các năm; việc tái cấp VietGAP chưa ổn định theo chỉ tiêu kế hoạch…

Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam cho biết: giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long VietGAP thiếu ổn định làm cho người dân chưa thật sự quan tâm nên gặp khó khăn trong việc thành lập tổ, nhóm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cũng như thực hiện tái cấp. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh làm cho người nông dân gặp khó khăn trong đầu tư sản xuất.

Một số ý kiến cho rằng, việc sản xuất thanh long theo VietGAP tốn nhiều công sức như: tuân thủ quy định vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng giá bán không chênh lệch nên nhiều nông dân không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đề xuất, đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, mở rộng diện tích thanh long sản xuất an toàn.

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Đại diện Hợp tác xã thanh long sạch Hoà Lệ cho biết: trong thời gian tới Hợp tác xã vẫn tiếp tục duy trì và phát huy các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thanh long. Tuỳ theo nhu cầu thị trường, Hợp tác xã hướng các thành viên sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn Viet GAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Để tăng giá trị cho trái thanh long, cùng với việc áp dụng các hệ thống tưới, canh tác theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ thị trường xuất khẩu và du lịch nhà vườn, Hợp tác xã thanh long sạch Hoà Lệ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà sơ chế, kho lạnh, máy móc công nghệ hiện đại… đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, HACCP… Đồng thời nghiên cứu thị trường và từng bước nâng cao chất lượng, phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ thanh long…

Với mục tiêu tăng tỷ trọng diện tích vùng trồng thanh long đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ trên toàn tỉnh, Bình Thuận phấn đấu năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 9.500 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP; trong đó diện tích tái cấp là 3.220ha.

Để đạt được mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với các địa phương và các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo nên sản phẩm đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và từng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và quy trình sản xuất nông sản an toàn; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan tập trung củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã, vận động người sản xuất tham gia vào hợp tác xã để sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP; từ đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất - tiêu thụ nhằm đảm bảo sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Thanh long trái vụ có giá cao gấp 3 lần
Thanh long trái vụ có giá cao gấp 3 lần

Giá thanh long Tiền Giang hiện được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN