HĐND tỉnh Cao Bằng: Chất vấn tình trạng giải ngân chậm, thiếu giáo viên

Từ ngày 7 - 9/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 11. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các vấn đề như giải ngân vốn đầu tư công chậm, tình trạng thiếu giáo viên, vấn đề xử lý tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã… được nhiều đại biểu quan tâm.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Cao Bằng khóa XVII, nhiệm kì 2021-2026. 

Không để tình trạng giải ngân chậm kéo dài

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm đã trở thành "bệnh kinh niên" của tỉnh. Vấn đề này năm nào cũng bàn bạc nhưng chưa tìm được giải pháp. Vì vậy, các ngành, địa phương, các chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng Bế Xuân Tiến thông tin, đến hết ngày 30/11/2022, tỉnh giải ngân được trên 1.379 tỷ đồng (đạt 30,0% kế hoạch), tiến độ giải ngân vẫn còn rất chậm, kết quả giải ngân đạt thấp, giải ngân thấp hơn mặt bằng chung về giải ngân của cả nước.

Nguyên nhân được xác định là một số dự án, nhiệm vụ chiếm tỷ trọng vốn lớn trong tổng kế hoạch đầu tư công thực hiện trong năm 2022 của tỉnh, nhưng giải ngân chậm hoặc chưa đủ điều kiện giải ngân…

Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng đề nghị các sở, ngành cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn kết quả giải ngân vốn đầu tư công với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức đấu thầu; giao vốn kịp thời cho chủ đầu tư thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường phân cấp cho cấp cơ sở, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai thực hiện; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục dự án, giảm thời gian xử lý hồ sơ tại mỗi đơn vị; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng…

Cao Bằng thiếu gần 500 giáo viên trong năm học 2022 - 2023

Chú thích ảnh
Đại biểu Mạc Thanh Tâm chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Cao Bằng khóa XVII, nhiệm kì 2021 - 2026. 

Năm học 2022 - 2023, Cao Bằng thiếu gần 500 giáo viên, trong đó thiếu trên 150 giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Tin học. Tỉnh cũng đang thiếu trên 1.500 phòng học bộ môn; thiết bị dạy học đến nay các trường vẫn chưa được trang bị. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên là do trong từng năm học, việc giáo viên chuyển vùng công tác, nghỉ hưu và thôi việc diễn ra thường xuyên. Từ năm 2020 đến nay, công tác tuyển dụng giáo viên tiểu học và trung học cơ sở gặp nhiều khó khăn, không tuyển đủ số lượng theo nhu cầu do thiếu nguồn tuyển...

Cao Bằng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2022. Ngành đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh có kiến nghị với Quốc hội về ban hành Nghị quyết cho phép các tỉnh miền núi, biên giới được ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở là người địa phương có trình độ đào tạo cao đẳng chuyên ngành phù hợp; ban hành chính sách thu hút đối với các sinh viên sư phạm chuyên ngành giáo dục tiểu học, Tiếng Anh, Tin học có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh khác đến công tác tại Cao Bằng.

Về tình trạng thiếu phòng học bộ môn, chênh lệch tỷ lệ đáp ứng thiết bị dạy học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng phòng học và mua sắm, điều chuyển thiết bị dạy học giữa nơi thừa và nơi thiếu. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh lịch lên lớp để phù hợp với điều kiện thực tế của trường.

Xử lý tình trạng nhà, đất dôi dư sau sáp nhập các đơn vị hành chính

Chú thích ảnh
Đại biểu La Văn Hồng chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Cao Bằng khóa XVII, nhiệm kì 2021 - 2026. 

Sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, tỉnh Cao Bằng dôi dư trên 230 cơ sở nhà, đất cần sắp xếp lại. Trong đó, có 170 cơ sở, nhà giữ lại, tiếp tục sử dụng; 66 cơ sở cơ sở nhà, đất dôi dư… Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý 66 nhà dôi dư này còn rất chậm, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hoàng Tố Quyên cho biết, thời gian tới, Sở Tài chính yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý tài sản công, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ về tài sản gửi đơn vị trình lên Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định xử lý tài sản theo quy định. Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố tiếp tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phù hợp với các phương án đã được thiết kế, góp phần đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá các cơ sở nhà, đất dôi dư; nghiên cứu phương án cho thuê tài sản theo quy định, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công…

Thông qua 27 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội

Tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thông qua 27 Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội gồm: Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2023 tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết về phân cấp cho Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố về việc phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2022 thực hiện các mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết về Quy định chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2023 - 2025...

Tin, ảnh: Chu Hiệu (TTXVN)
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hải Dương: Chất vấn nhiều vấn đề 'nóng'
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hải Dương: Chất vấn nhiều vấn đề 'nóng'

Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, tu bổ di tích, chậm giải ngân vốn đầu tư công… là những vấn đề "nóng" được chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVII diễn ra ngày 8/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN