Xử phạt đối tượng dùng cưa xăng phá rừng ở Mường Nhé

Liên quan việc rừng ở địa bàn xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) bị người dân ngang nhiên dùng cưa xăng “rút ruột” mà báo chí đã phản ánh vừa qua, sáng 9/12, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên) cho biết, đối tượng dùng cưa xăng để cưa hạ cây, sơ chế gỗ thành phẩm trong rừng đã bị xử phạt 17,5 triệu đồng.

Chú thích ảnh
"Lâm tặc" đã dùng loại cưa xăng có công suất lớn (lưỡi cưa to, dài) để phá rừng. 

Theo văn bản số 309/BC-HKL ngày 8/12/2022 của Hạt Kiểm lâm Mường Nhé báo cáo về kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý vụ vi phạm khai thác rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé), đối tượng phá rừng được xác định là Lò Văn Hội (sinh năm 1969, trú tại bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé).

Vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 6/12, sau khi tiếp nhận được nguồn tin báo, lực lượng kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Mường Nhé phối hợp với lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường kiểm tra, xác minh vụ việc. Kết quả kiểm tra xác định, tại Tiểu khu 180B, khoảnh 10 khu rừng sản xuất có trạng thái rừng tự nhiên núi đất lá rộng đã được UBND huyện Mường Nhé giao cho cộng đồng dân cư bản Quảng Lâm (xã Quảng Lâm) quản lý, bảo vệ, có 2 cây gỗ gáo vàng (thuộc nhóm VII) bị chặt hạ, cưa xẻ.

Tại hiện trường có 5 lóng gỗ tròn (có đường kính từ 28 đến 40cm, dài từ 2,5 đến 3m), khối lượng 1,18m3 và gần 30 thanh gỗ xẻ (có chiều dài từ 2,5 đến 3m, rộng từ 25 đến 27cm), khối lượng hơn 0,5 m3. Tổng khối lượng gỗ quy tròn hơn 2 m3. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ thêm 1 máy cưa xăng. Hành vi của ông Lò Văn Hội chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác đối với số gỗ này.  

Chú thích ảnh
Địa điểm “khai trường” của lâm tặc ngang nhiên cưa hạ cây, sơ chế gỗ thành phẩm nằm trong rừng, cách tỉnh lộ 4H khoảng gần 300m. 

Căn cứ hồ sơ vi phạm và các tài liệu, chứng cứ liên quan, cơ quan chức kết luận hành vi của ông Lò Văn Hội đã vi phạm Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ).

Ngày 8/12/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé đã ban hành Quyết định số 23/QQD-XPHC xử phạt hành chính đối với ông Lò Văn Hội về hành vi khai thác rừng trái pháp luật quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 13 của Nghị định 35/2019/NĐ-CP. Theo đó, ông Lò Văn Hội bị phạt hành chính 17,5 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ tang vật (hơn 2m3 gỗ) và công cụ, dụng cụ được sử dụng để thực hiện hành vi khai thác rừng trái pháp luật.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé Nguyễn Đình Cương, lực lượng kiểm lâm đang tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh thêm tại các khu vực lân cận với khu vực đã xảy ra tình trạng phá rừng này.

Chú thích ảnh
Xác nhận với phóng viên, hai người trong ảnh cho biết đi khai thác gỗ về để làm nhà ở. 

Trước đó, ngày 6/12, phóng viên TTXVN đã tiếp cận một “khai trường” cưa hạ cây, sơ chế gỗ thành phẩm nằm sâu trong rừng thuộc địa bàn xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé), cách quốc lộ 4H gần 400m. Để cưa hạ, sơ chế gỗ được nhanh, “lâm tặc” đã dùng loại cưa xăng có công suất lớn (lưỡi cưa to, dài). Tại khu vực này cũng dễ dàng bắt gặp những gốc cây to có chu vi vành thân một người ôm. Các bình nhựa đựng nhiên liệu vận hành cưa xăng cho hoạt động cưa hạ, xẻ gỗ và các dụng cụ thước dây, mực vẫn còn nằm lại tại hiện trường.  

Huyện Mường Nhé hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 125.000 ha, trong đó, diện tích đất có rừng hơn 83.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 53%. Nhiều năm qua, nhu cầu về nguồn vật liệu gỗ để sửa chữa nhà, làm nhà mới theo phong tục tập quán của người dân còn quá lớn. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn còn mỏng; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng còn lỏng lẻo nên đã dẫn đến thực trạng người dân vẫn ngang nhiên mang cưa xăng đi “rút ruột” rừng và cưa xẻ, sơ chế gỗ ngay tại hiện trường.

Tin, ảnh: Xuân Tiến (TTXVN)
Thế giới cần nỗ lực ngăn chặn nạn chặt phá rừng
Thế giới cần nỗ lực ngăn chặn nạn chặt phá rừng

Theo một đánh giá mới đây của giới khoa học, nạn phá rừng trên toàn cầu đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2021, song thế giới vẫn có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu khí hậu quan trọng này vào năm 2030 nếu không tiếp tục hành động khẩn cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN