Điển hình về đào tạo kỹ thuật, công nghệ khu vực miền Trung - Tây Nguyên

60 năm xây dựng và phát triển (1962-2022), với sự sáng tạo, không ngừng đổi mới, bắt kịp thời đại 4.0, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng trở thành địa chỉ uy tín đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung -Tây Nguyên và cả nước.

Chú thích ảnh
Sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN phát

Quá trình xây dựng và phát triển

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng (tọa lạc tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) tiền thân là trường Kỹ thuật Đà Nẵng, thành lập năm 1962, với Ban Toán và Ban Chuyên nghiệp có 6 ngành nghề. Đây là một trong những mô hình trường kỹ thuật hiện đại và danh tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ.

Trong 13 năm hoạt động, từ năm 1962 đến năm 1975, trường Kỹ thuật Đà Nẵng đã đào tạo chuyên viên kỹ thuật tạo nền tảng cho sản xuất công nghiệp ở miền Nam trước đây, nhiều người tiếp tục học Đại học, sau Đại học.

Năm 1976, trường vinh dự được mang tên người Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, một người con của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Giai đoạn này, trường gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, phát huy truyền thống tốt đẹp của trường, sau khi tốt nghiệp nhiều sinh viên đã nhanh chóng khẳng định mình, sớm trở thành lực lượng nòng cốt trong các nhà máy, xí nghiệp, trường học, cơ quan quản lý và lực lượng vũ trang…

Năm 1994, trường Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Công nghệ thuộc Đại học Đà Nẵng, với trọng trách mới là đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên cao cấp, cử nhân cao đẳng công nghệ cho các ngành kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền sản xuất công nghiệp ngày càng hiện đại. 

Ngày 8/11/2017, trường chính thức mang tên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thuộc Đại học Đà Nẵng. Sự kiện này đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng Phan Cao Thọ cho hay, trường hiện có 236 viên chức và người lao động, trong đó có 162 giảng viên cơ hữu, 60 tiến sĩ (trong đó có 3 Phó Giáo sư); tỷ lệ giảng viên cơ hữu giảng dạy tại trường có trình độ sau đại học chiếm 97%. Trường đang đào tạo 16 chuyên ngành bậc đại học, với gần 5.000 sinh viên theo học.

Đổi mới đào tạo hướng đến 4.0

Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng Phan Cao Thọ cho biết, ngay sau khi trở thành trường Đại học, trường đầu tư xây dựng và ban hành chiến lược phát triển đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035. Chiến lược tập trung đổi mới quản trị đại học, đổi mới phương thức đào tạo theo hướng đáp ứng cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng xây dựng chương trình đào tạo tích hợp cử nhân - kỹ sư, tăng khả năng lựa chọn và đáp ứng nhu cầu người học cũng như nhu cầu xã hội. Các ngành đào tạo của Trường đã thay đổi theo hướng đào tạo linh hoạt, mang tính chuyên môn hóa cao theo định hướng ứng dụng. Chương trình đào tạo thiết kế lại theo hướng hiện đại thích ứng với thực tiễn công nghệ, nâng cao kỹ năng số, tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên.

Chú thích ảnh
Buổi học của sinh viên ngành ô tô của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Văn Dũng

Theo Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, đến nay, trường đã có 6 khoa, 17 bộ môn chuyên ngành, 4 trung tâm và 1 viện nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp, 14 phòng thí nghiệm, 8 phòng máy tính, 18 xưởng thực hành. Trường vừa khánh thành Phòng Nghiên cứu và Đào tạo thực hành Chuyển đổi số với trị giá hơn 10 tỷ đồng (đây là kết quả của sự hợp tác tích cực giữa nhà trường và doanh nghiệp). Đặc biệt, trường ban hành Đề án chuyển đổi số, vận hành hiệu quả hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Cùng với đó, trường luôn quan tâm, dành kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đến nay, cán bộ giảng viên của Trường đã triển khai hơn 300 đề tài khoa học các cấp; trong đó có 2 đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, nhiều đề tài cấp bộ, thành phố; công bố gần 450 báo cáo khoa học. Một số kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được ứng dụng vào thực tế.

Tiến sĩ Hồ Trần Anh Ngọc, Trưởng khoa Cơ Khí, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho rằng, nghiên cứu khoa học được xem là một trong những mục tiêu phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của Khoa. Nhiều đề tài khoa học của khoa được chuyển giao và đưa vào ứng dụng trong thực tế sản xuất. Đặc biệt, để phục vụ công tác thực hành, nghiên cứu, Khoa có 7 xưởng thực hành, 3 phòng thí nghiệm và 2 phòng máy tính chuyên ngành. Các ngành đào tạo được trang bị thiết bị, máy móc từ cơ bản đến hiện đại.

Ngoài việc tăng cường nghiên cứu khoa học, hàng năm trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật phối hợp với các đơn vị trong nước, các tổ chức, trường đại học trên thế giới tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia.

Thầy Phan Quí Trà, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế chia sẻ: Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng hoạt động hợp tác quốc tế của trường vẫn phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trường đã đón tiếp hàng chục lượt khách từ các nước Nhật Bản, Hàn quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Úc... đến thăm, làm việc và ký kết các văn bản ghi nhớ, hợp tác. Đặc biệt những năm gần đây, nhà trường nhận được các dự án quốc tế do quỹ ERASMUS+ tài trợ (như: V2WORK, EMVITET, Mesfia, MonTus, Digi-CHE-Asia và USAID…) mở ra nhiều hợp tác với các trường đại học trên thế giới. Hoạt động hợp tác doanh nghiệp cũng đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhà trường đã ký kết hợp tác với hàng chục tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung.

Vững bước vươn tầm

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng Phan Bảo An nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc học tập trở nên dễ tiếp cận và linh hoạt nhờ hệ thống trực tuyến và việc chia sẻ dữ liệu. Đây được xem là những điều kiện thuận lợi để trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đạt được mục tiêu đào tạo Đại học định hướng ứng dụng. Hiện, nhà trường đã và đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, trường tiếp tục cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, học tập, nhất là ứng dụng, khai thác hiệu quả công nghệ mới, công nghệ thông tin và truyền thông; tập trung phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao, nâng cao trình độ, nhận thức của giảng viên về giáo dục đại học định hướng ứng dụng gắn với đổi mới sáng tạo; xây dựng văn hóa kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng giáo dục thông qua công tác kiểm định và đánh giá ngoài, tham gia vào các mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế. Đồng thời, trường sẽ tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp; nâng cao vị thế, khẳng định vai trò phục vụ cộng đồng của giáo dục Đại học…

Chú thích ảnh
Cơ sở 2 trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN phát

Thầy Phan Bảo An khẳng định, tiếp nối thành tựu của 60 năm xây dựng và phát triển, là kết tinh trí tuệ và đóng góp của nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh sinh viên. Trong những năm tới, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật sẽ nỗ lực xây dựng môi trường học thuật dân chủ, phát huy trí tuệ, tiên phong trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, đào tạo và cung ứng “sản phẩm” chất lượng, là động lực thúc đẩy, tham gia quá trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội. 

Với những cố gắng không mệt mỏi, bằng nỗ lực vươn lên, liên tục những năm gần đây, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; được nhận các Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều cá nhân, tập thể cũng nhận được phần thưởng cao quý của Nhà nước.

Bài và ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Tháo gỡ vướng mắc về giảng dạy văn hóa trong các trường nghệ thuật, trường nghề
Tháo gỡ vướng mắc về giảng dạy văn hóa trong các trường nghệ thuật, trường nghề

Chiều 9/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giảng dạy văn hóa ở các trường nghệ thuật, trường nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN