Bắc Giang siết chặt quản lý, ổn định thị trường xăng dầu

Nguồn cung xăng dầu không ổn định, dẫn đến tình trạng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những ngày gần đây có hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Cửa hàng xăng dầu số 1 Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang treo biển hết xăng. Ảnh: TTXVN phát

Đóng cửa, bán cầm chừng

Sáng 11/11 tại Cửa hàng xăng dầu phố Bằng, địa chỉ Phố Bằng, Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang đóng cửa, treo biển hết xăng, quý khách thông cảm. Người dân nơi đây cho biết, cây xăng này đóng cửa đã được mấy hôm khiến nhiều người muốn đổ xăng phải đi xa.

Tại cửa hàng xăng dầu số 1 Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang chiều 11/11 cũng treo biển hết xăng. Theo phản ánh của người dân, một số cửa hàng xăng dầu bán lẻ ở các huyện, thành phố như Lục Ngạn, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang cũng đóng cửa, nghỉ bán, hoặc bán cầm chừng.

Trước tình trạng trên, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra. Trong 2 ngày 9 - 10/11 qua kiểm tra, giám sát thị trường xăng dầu đã có 37 cửa hàng (chiếm khoảng 10% số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh) dừng hoạt động với lý do hết xăng dầu do thương nhân phân phối chưa kịp cung cấp.

Trong số đó, một số cửa hàng hết hàng cục bộ, phải dừng bán hàng trong khoảng thời gian ngắn chờ xe bồn vận chuyển xăng dầu đến; một số cửa hàng chỉ bán một mặt hàng xăng (không bán dầu hoặc ngược lại) hoặc bán hàng theo định mức giới hạn cho các khách hàng mua như xe máy bán tối đa 50 nghìn đồng, ô tô bán tối đa 300 nghìn đồng.

Theo đại diện Sở Công Thương, việc một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đóng cửa, nghỉ bán trong những ngày gần đây là do thị trường xăng dầu có diễn biến phức tạp, “dị thường”, nguồn cung từ các doanh nghiệp đầu mối hạn chế nên các doanh nghiệp bán lẻ không lấy được hàng. Đồng thời, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng không nhận được chiết khấu từ các thương nhân phân phối, trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu là doanh nghiệp nhỏ, chỉ có thể cầm cự chịu lỗ trong thời gian ngắn.

Quản lý, ổn định thị trường xăng dầu

Chú thích ảnh
Cửa hàng xăng dầu phố Bằng tại xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang, Bắc Giang) đóng cửa, treo biển hết xăng. Ảnh: TTXVN phát

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có ba thương nhân đầu mối cung cấp xăng dầu là Công ty Xăng dầu Hà Bắc, Công ty cổ phần xăng dầu khí Hà Nội - Chi nhánh Bắc Giang (PVOIL), Công ty TNHH MTV Petro Bình Minh Bắc Giang; 10 thương nhân phân phối và 340 của hàng kinh doanh xăng dầu phân bố rộng khắp tại các huyện, thành phố.

Ngoài thương nhân phân phối trong tỉnh, xăng dầu trên địa bàn tỉnh còn được cung ứng bởi một số thương nhân ngoài tỉnh như: Công ty Hải Linh Bắc Ninh, Hùng Hà (Thái Nguyên); Hải Hà (Nam Định), Vật tư Hải Dương.

Từ tháng 12/2021 đến nay, thị trường xăng dầu có diễn biến phức tạp. Để đảm bảo thị trường xăng dầu ổn định, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã lập đoàn kiểm tra thường xuyên nắm bắt tình hình, động viên doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, duy trì tối thiểu cung ứng xăng dầu cho thị trường; thường xuyên giữ mối liên hệ với Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phân phối để thúc đẩy cung cấp nguồn xăng dầu cho thị trường tỉnh.

Trước tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, bán cầm chừng như hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, đặc biệt là việc thực hiện quy định về thời gian bán hàng, niêm yết giá. Giám sát, kiểm tra tình hình hoạt động của các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
 Lực lượng chức năng kiểm tra kho xăng tại cửa hàng xăng dầu của Công ty Vận tải thủy, Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: TTXVN phát

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Phạm Công Toản cho biết, để tăng cường quản lý về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, thời gian tới ngành tiếp tục tăng cường công tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với thương nhân đầu mối, cửa hàng bán xăng dầu và cả nhận thức của người dân về hoạt động cung ứng, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Cùng đó, phối hợp các cơ quan chức năng thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn diễn biến thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh xăng dầu; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn bán xăng lậu, xăng giả  và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang nắm bắt khó khăn, vướng mắc về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nắm chắc tình hình thị trường, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh để kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết những khó khăn,vướng mắc của doanh nghiệp.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện,  thành phố tăng cường quản lý về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương Bắc Giang cũng kiến nghị, Bộ Công Thương điều hành chính sách vĩ mô về xăng dầu hợp lý đảm bảo nguồn cung ổn định cho các địa phương.

Đồng Thúy (TTXVN)
Khơi thông 'điểm nghẽn' cung ứng xăng dầu 
Khơi thông 'điểm nghẽn' cung ứng xăng dầu 

Theo các chuyên gia, trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay phải xác định sát với thực tế, hợp lý, thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được. Và để thị trường xăng dầu vận hành ổn định thì sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành phải hết sức nhịp nhàng. đồng thuận cao, quyết liệt, khẩn trương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN