Indonesia tiếp tục thu hồi giấy phép của các hãng dược sản xuất siro

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia nêu rõ hai công ty PT Samco Farma và PT Ciubros Farma đã sử dụng lượng ethylene glycol và diethylene glycol ở mức cao trong các sản phẩm của mình.
Indonesia tiếp tục thu hồi giấy phép của các hãng dược sản xuất siro ảnh 1Cảnh sát kiểm tra một hiệu thuốc tại Banda Aceh (Indonesia), ngày 24/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/11, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) thông báo thêm hai công ty dược phẩm nội địa sản xuất thuốc dạng siro đã bị cơ quan này đình chỉ giấy phép sản xuất, trong bối cảnh nhà chức trách đang điều tra gần 200 trường hợp trẻ em tử vong do tổn thương thận cấp tính.

Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu BPOM Penny K. Lukito nêu rõ hai công ty PT Samco Farma và PT Ciubros Farma đã sử dụng lượng ethylene glycol và diethylene glycol ở mức cao trong các sản phẩm của mình.

Hai nhà sản xuất này đã được lệnh phải thu hồi các sản phẩm và tiêu hủy những lô hàng còn lại. BPOM cũng đã tạm thời thu hồi giấy phép sản xuất của hai công ty này.

Cũng theo bà Penny, nhà chức trách Indonesia đang điều tra các chuỗi cung ứng nguyên liệu thô và quy trình sàng lọc nhằm tìm hiểu vì sao các sản phẩm lại chứa dư lượng lớn hai hợp chất trên.

[Indonesia: Số trẻ tử vong do tổn thương thận cấp tính tiếp tục tăng]

Hiện Samco Farma và Ciubros Farma chưa có phản hồi nào về thông tin này.

Indonesia đang tiến hành điều tra các ca tử vong ở trẻ em và tham vấn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do các trường hợp tử vong tương tự các vụ việc tại Gambia trong năm nay, nơi ghi nhận ít nhất 70 ca tử vong liên quan tới siro của công ty sản xuất dược phẩm Maiden của Ấn Độ.

Trong quá trình điều tra, vào tháng 10 vừa qua, Indonesia đã tạm thời cấm bán một số thuốc dạng siro sau khi xác định ethylene glycol và diethylene glycol có trong thành phần thuốc.

Đây là hai hợp chất được dùng như chất chống đông trong các sản phẩm công nghiệp, song cũng là một chất thay thế giá rẻ hơn cho glycerine, một dung môi hoặc chất làm đặc trong nhiều loại siro ho. Hai hợp chất này có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính.

Cho đến nay, BPOM đã thu hồi giấy phép của ít nhất ba công ty khác sản xuất các sản phẩm mà cơ quan này xác định có chứa hàm lượng lớn ethylene glycol và diethylene glycol./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục