Quảng Bình: Tiếp tục chủ động các phương án ứng phó bão số 6

Để chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 6, đến chiều 18/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 6.591 phương tiện tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn; còn 1 phương tiện/4 lao động đang hoạt động trên biển.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền được neo đậu ở khu tránh neo đậu Cửa Phú, xã Bão Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Ảnh tư liệu: Văn Tý/TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về việc ứng phó với cơn bão số 6; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các đơn vị, địa phương liên quan như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển theo dõi, kiểm đếm chặt chẽ tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, thông tin diễn biến thời tiết để người dân chủ động phòng tránh và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời hướng dẫn neo đậu, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú; tạo điều kiện cho tàu cá, phương tiện vận tải, thuyền viên các địa phương khác vào tránh trú bão; sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản.

Tỉnh Quảng Bình cũng thông báo cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy ra khơi kể từ 8 giờ 00 ngày 18/10/2022 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh và các đơn vị như Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo sớm phục hồi hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngay khi nước rút; hạn chế tối đa dịch bệnh trên người, động vật phát sinh, lây lan sau mưa lũ. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, sự cố trên các trục giao thông trên địa bàn.

Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng trên địa bàn tỉnh sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh rà soát lại tình hình dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm ở các địa bàn bị mưa lũ chia cắt trong thời gian qua, không để người dân bị đói, rét; triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão số 6. Các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến bão nhằm chủ động ứng phó.

Võ Dung (TTXVN)
Tập trung nguồn lực ứng phó bão số 6; khắc phục hậu quả bão số 4, 5
Tập trung nguồn lực ứng phó bão số 6; khắc phục hậu quả bão số 4, 5

Ngày 18/10, thông tin từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2022 - 2027 được tổ chức tại Bình Thuận từ ngày 17-18/10, Thường trực Trung ương Hội đã chỉ đạo, yêu cầu các tỉnh, thành Hội tập trung mọi nguồn lực kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó với cơn bão số 6 và khắc phục hậu quả các cơn bão số 4, 5 và hoàn lưu bão.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN