Luận án tiến sĩ nghiên cứu về áo ngực được bảo vệ thành công

Ngày 12/10, luận án tiến sĩ về áo ngực từng gây tranh cãi được nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung bảo vệ thành công.

Chú thích ảnh
Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ảnh: NL.

Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực", thuộc ngành Công nghệ dệt - may, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ hướng dẫn được nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung bảo vệ thành công trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường.  

Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu đánh giá, có 7/7 thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc. Hội đồng đề nghị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung.

Luận án tiến sĩ gồm 4 nội dung chính. Thứ nhất, thiết lập được hệ thống đo đồng thời áp lực áo ngực lên cơ thể người mặc bằng cảm biến áp khí tại 8 vị trí đo, và đo áp lực áo ngực ở 3 trạng thái: tĩnh, động, tĩnh kết hợp động.

Thứ hai, nghiên cứu xác định được các kích thước ngực nữ sinh Bắc Việt Nam đa dạng bằng phương pháp đo 3D không tiếp xúc trên hệ thống quét 3D đã thiết lập và phần mềm Geomagic Design X. Phân tích được mối quan hệ giữa các kích thước ngực.

Nghiên cứu cũng xác định được các kích thước ngực đặc trưng và phân nhóm ngực nữ sinh ứng dụng các giải thuật PCA (Principal Component Analysis), RF (Random Forest) và LVQ (Learning Vector Quantization), góp phần xây dựng cơ sở lựa chọn các kích thước ngực cho các nghiên cứu về nhân trắc ngực và áp lực của áo ngực nữ.

Thứ ba, đề tài phân nhóm được ngực nữ sinh Bắc Việt Nam thành 3 nhóm: ngực nhỏ, ngực trung bình, ngực lớn, tương ứng với các hình dạng ngực phẳng, ngực hình nón và ngực tròn bằng cách ứng dụng giải thuật K-means clustering.

Thứ tư, nghiên cứu xác định được ảnh hưởng của các kích thước đặc trưng của ngực nữ sinh tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, mối quan hệ giữa các kích thước ngực đặc trưng với áp lực của áo ngực, với độ tiện nghi áp lực, giữa áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực thông qua các mô hình hồi quy tuyến tính đơn biến và đa biến với kỹ thuật BMA (Bayesian Model Averaging) trên phần mềm R.

Trước đó, luận án này với từ khoá “luận án tiến sĩ áo ngực” đã gây nhiều tranh cãi và hoài nghi về tính thực tiễn của đề tài. Tuy nhiên, trả lời báo chí về vấn đề này, PGS-TS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện dệt may, da giầy và thời trang thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định đề tài nghiên cứu về áo ngực phụ nữ do nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, ngành Công nghệ dệt, may, thực hiện có tính cấp thiết, mang ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn.

Liên quan đến đề tài này, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung từng công bố 8 công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế. Trong đó, 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước). Nghiên cứu này cũng từng đạt giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt Nam 2020.

LV/Báo Tin tức
Học sinh 18 tuổi phát minh áo ngực phát hiện ung thư vú
Học sinh 18 tuổi phát minh áo ngực phát hiện ung thư vú

Sau khi chứng kiến cảnh mẹ đẻ chiến đấu với ung thư vú và phải cắt bỏ ngực, một học sinh 18 tuổi người Mexico đã sáng chế ra áo ngực có thể phát hiện sớm dấu hiệu của căn bệnh quái ác này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN