Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu 'tiến thoái lưỡng nan'

Với mức chiết khấu quá thấp từ doanh nghiệp đầu mối, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ, nhưng không được đóng cửa, nếu không sẽ bị rút giấy phép.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu 'tiến thoái lưỡng nan'. Ảnh: TTXVN.

Đối mặt nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần dầu khí Sơn Hải, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thấp, có thời điểm chiết khấu bằng 0 và 50 - 100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. Với mức chiết khấu này, thương nhân càng bán càng lỗ, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương không cho phép đóng cửa.

“Với chi phí vận chuyển tối thiểu 1 lít xăng dầu từ cảng đầu nguồn cho đến khâu bán lẻ khoảng 375 đồng/lít, cộng với các chi phí tiền lương bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại các cửa hàng tối thiểu là 300 - 350 đồng/lít và nhiều chi phí khác... để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội, 1 lít xăng hiện nay phải chi phí tối thiểu là 1.517 đồng - 1641 đồng/lít và với dầu là 1.430 - 1554 đồng/lít”, ông Hạnh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho biết, doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn do mức chiết khấu xăng dầu hiện thấp. Cách đây 6 năm, mức chiết khấu khoảng 600 đồng/lít, doanh nghiệp mới đủ chi phí vận hành. Tuy nhiên, hiện nay, theo tính toán của doanh nghiệp, mức chiết khấu phải khoảng 1.200 - 1.300 đồng/lít mới đủ bù trừ chi phí cho doanh nghiệp… 

Thực tế, từ tháng 8/2022 đến nay, tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra liên tục, không có hàng để cấp. Thời gian trước, các doanh nghiệp đầu mối cấp xăng dầu tính theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó, song hiện nay, khi nào có hàng mới cấp… Điều này dẫn tới tình trạng khi doanh nghiệp nhập xăng dầu về không biết phân chia sản lượng thế nào cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thống. 

Tháo gỡ bất cập

Ông Trần Bảo Sơn, đại diện Công ty Xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội) cho rằng, các quy định hiện nay có nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp “lao đao”. Trong ngành xăng dầu, có các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, rồi mới đến các doanh nghiệp bán lẻ. Nhưng khi lấy ý kiến về sửa các điều khoản quy định, các cơ quan chức năng chỉ lấy ý kiến của các doanh nghiệp đầu mối, những người bán hàng trực tiếp không được góp ý. Việc thị trường rối loạn vừa qua cũng có phần do thiếu ý kiến của các doanh nghiệp bán lẻ. 

Trước thực tế này, ông Nguyễn Đức Hạnh cũng như nhiều doanh nghiệp đầu mối khác mong muốn Bộ Tài chính sớm cập nhật, xem xét các kiến nghị để tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Nhà nước có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý, chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu. 

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, đại diện chi hội xăng dầu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, vừa qua, các doanh nghiệp đầu mối đề nghị chi phí cho các đại lý bán lẻ bằng 0, là “không bình đẳng với doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Doanh nghiệp bán lẻ ở cuối chuỗi, không được quyền quyết định, nên cần sự chia sẻ của đầu mối. Hiệp hội kiến nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính đưa ra giá bán lẻ phải đảm bảo chi phí lưu thông, tránh hạ giá lấy thành tích, nhưng tăng lỗ cho doanh nghiệp. Về chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, hiện nay theo quy định sẽ điều chỉnh vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng, cần thực hiện đúng, không nên điều chỉnh, lùi thời gian điều hành khi có các kỳ nghỉ. 

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam sản xuất được 70 - 75% xăng dầu, nhập khẩu trên dưới 20% để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trên 23 triệu m³ xăng dầu/năm. Thời gian qua, không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Vì vậy, các cơ quan tham mưu Bộ Công Thương về quản lý, điều hành cần có sự hài hòa giữa nhà nước - doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu - người dân. 

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng, diễn biến xăng dầu năm 2022 mang tính khác biệt với mọi năm, không doanh nghiệp nào chịu được sự tăng giảm như thời gian qua, nên nảy sinh nhiều bất cập trong những quy định quản lý. Do đó, các doanh nghiệp đầu mối cần nhìn nhận lại, ý thức tổ chức kinh doanh mang tính chủ động. Chiết khấu là hoạt động tương tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và hiện nay gần như không có quy định cụ thể về chiết khấu. Do đó, Hiệp hội kiến nghị phải đảm bảo chi phí lưu thông cho hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu…

Thu Trang/Báo Tin tức
Biểu đồ giá xăng trong hơn 2 năm qua
Biểu đồ giá xăng trong hơn 2 năm qua

Trong hơn 2 năm qua, giá xăng trong nước đã có nhiều biến động. Đến chiều ngày 21/9/2022, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương-Tài chính, giá bán xăng RON 95-III là không quá 22.584 đồng/lít và giá bán xăng E5 RON 92 là không quá 21.781 đồng/lít.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN