Sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa đánh giá và nghiệm thu kết quả đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà”. Đây là đề tài cấp tỉnh, do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà chủ trì thực hiện, tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, được triển khai từ năm 2019 đến tháng 6/2022.

Chú thích ảnh
Vườn ươm cây sâm Ngọc Linh. Ảnh tư liệu: Cao Nguyên/TTXVN

Đề tài trên đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng thử nghiệm, đánh giá về điều kiện sinh thái tại địa điểm trồng thử nghiệm, khả năng sinh trưởng, phát triển và chất lượng của sâm Ngọc Linh tại Hòn Bà; báo cáo kết quả xử lý thống kê, phân tích số liệu điều tra, đo đạc, thu mẫu... Theo đó, tổng diện tích trồng thử nghiệm khoảng 1.000 m2, số lượng hơn 800 cây với tỷ lệ cây sống đạt gần 90%, mỗi củ tươi có trọng lượng từ 2,8-3,6 gram, hàm lượng saponin chính đều tăng, chỉ thấp hơn 1,5-2% so với sâm Ngọc Linh trồng nguyên vị tại Kon Tum và Quảng Nam…

Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, việc cây sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm thành công ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà tạo ra cơ hội nhân rộng mô hình trồng loại sâm quý này tại đây cũng như những khu vực khác trong tỉnh có điều kiện tương đồng, giúp địa phương có thêm một loại cây trồng đặc sản, thay thế nguồn sâm đang cạn kiệt ngoài tự nhiên. Thành công của đề tài còn là cơ sở để chuyển giao kỹ thuật trồng, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, thu hút khách du lịch đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh còn có giá trị cao về kinh tế.

Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý, đặc hữu, mọc tập trung ở dãy núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)… trên độ cao 1.200-2.100m. Hàm lượng saponin (dưỡng chất chính trong các loại sâm) của sâm Ngọc Linh cao nhất trên thế giới với 52 loại. Để bảo tồn và phát huy giá trị cây sâm Ngọc Linh, nhiều địa phương trong nước đã nghiên cứu, di thực loại sâm này về trồng thử nghiệm như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Lạc Dương (Lâm Đồng).

Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 40km về phía Tây Nam, thuộc địa bàn 4 huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), tổng diện tích trên 19.285 ha, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên 9.500 ha. Nhiều khu vực của Hòn Bà có độ cao từ 1.000 đến 1.500m so với mực nước biển, được các nhà khoa học xác định có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, thời tiết khá tương đồng với núi Ngọc Linh - nơi phân bố của loại sâm Ngọc Linh đặc hữu.

Hòn Bà cũng là nơi có nguồn dược liệu tự nhiên rất phong phú và giá trị cao như: nấm linh chi (Ganoderma lucidum), sa nhân (Amomum xanthioides), dó bầu (Aquilaria crassna), ươi (Scaphium lychnophorum), cốt toái bổ (Drynaria fortunei)…

Tiên Minh (TTXVN)
Tạo sản phẩm du lịch đặc trưng khi gắn với vùng sâm Ngọc Linh
Tạo sản phẩm du lịch đặc trưng khi gắn với vùng sâm Ngọc Linh

Là địa phương có vườn trồng sâm Ngọc Linh lớn trong cả nước, huyện Tu Mơ Rông và tỉnh Kon Tum đang định hình xây dựng du lịch gắn với vùng sâm Ngọc Linh. Theo đó, du khách đến thủ phủ của sâm Ngọc Linh ở phía bắc tỉnh Kon Tum có thể tìm hiểu về quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ loài cây được mệnh danh là "quốc bảo" này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN