Vứt rác thải 'cồng kềnh', khó xử lý ra môi trường Thủ đô: Làm sao để ngăn chặn?

Lợi dụng những thời điểm sáng sớm, đêm khuya hay nhá nhem tối, một bộ phận người dân thiếu ý thức đã lén lút mang các loại rác thải cồng kềnh, khó xử lý như: Đồ đạc, bàn ghế, giường tủ, đệm cũ hỏng, không sử dụng được hay vật liệu phế thải xây dựng chất đống vào bao tải... vứt ra các bãi rác trên đường phố, lẫn với các loại rác thải khác, gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý của công nhân môi trường đô thị.

Người tham gia giao thông chứng kiến những khối rác cồng kềnh này trên các tuyến phố nội đô không khỏi bức xúc trước cảnh nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị, và cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường lắp đặt các camera giám sát tại các điểm tập kết rác thải trên đường phố, kịp thời phát hiện, xử lý thích đáng để răn đe theo quy định pháp luật.

Nhất là trong bối cảnh rác thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, ngành môi trường vận động toàn dân tự giác nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn. 

Video rác thải "cồng kềnh", khó xử lý bị vứt trộm ra môi trường:

Thực tế, cùng với rác thải sinh hoạt, hàng ngày trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh khối lượng lớn rác thải cồng kềnh, khó bốc xếp lên xe thu gom vận chuyển, cuốn ép, chôn lấp, phân hủy theo quy định... Tuy nhiên, thay vì được phân loại, xử lý riêng, những loại rác thải này lại được xử lý lẫn với rác thải sinh hoạt hoặc xử lý bằng phương pháp thủ công, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Nhiều trường hợp, do không được thu gom, xử lý ngay, nên các loại rác thải cồng kềnh này bị vứt "chỏng chơ", tồn đọng trên đường phố từ ngày này sang ngày khác, gây mất vệ sinh môi trường.

Chú thích ảnh
Rác thải là cả chiếc giường gội đầu bị vứt trộm, chỏng chơ giữa đường tại điểm tập kết rác trên phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) vào sáng sớm.
Chú thích ảnh
Cả bãi rác khổng lồ toàn những loại rác cồng kềnh, khó xử lý như: Xe thùng rỉ sét, sofa cũ, tủ cũ, biển quảng cáo hỏng, khối đá lát vỡ... trên vỉa hè phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm).
Chú thích ảnh
Nhức mắt trước hình ảnh cả bộ sofa cũ lẫn những khối bê tông vỡ bị người dân vứt trên vỉa hè phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm), biến gầm cầu Chương Dương thành điểm tập kết rác thải cồng kềnh, khó xử lý.
Chú thích ảnh
Hành vi đổ trộm các túi gạch vữa phế thải xây dựng bừa bãi ngay tại nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Việt (quận Tây Hồ) của những người thiếu ý thức có đáng lên án?

Đơn cử, những hình ảnh phóng viên ghi nhận được tại các điểm tập kết rác thải cồng kềnh như: Vỉa hè các tuyến phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm), đường ven sông Tô Lịch dưới gầm đường vành đai 2 (quận Cầu Giấy), gầm cầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa)... hàng loạt các bãi rác thải cồng kềnh được tập kết tại đây, lâu ngày thành điểm đổ rác của người dân, mặc dù có cắm biển "Cấm đổ rác".

Nhiều người dân sinh sống gần những khu vực trên bức xúc phản ánh, các loại rác thải, phế thải cồng kềnh này do khó khăn trong việc vận chuyển, bốc xếp, xử lý, nên thường không được các xe rác thu gom vận chuyển đi ngay, mà để tồn đọng tại chỗ. Sau đó, những người nhặt ve chai, đồng nát phá dỡ, đốt rác lấy sắt vụn hoặc gỗ mục về làm củi... Mỗi lần như vậy, khói bụi phủ khắp cả tuyến phố, gây ô nhiễm môi trường xung quanh nghiêm trọng. 

Chú thích ảnh
Cả đống cánh cửa, bàn ghế gỗ mục, vỡ hỏng... bị vứt trộm bừa bãi trên vỉa hè ven sông Tô Lịch, dưới chân đường Vành đai 2 (quận Cầu Giấy) vào lúc nhá nhem tối.
Chú thích ảnh
Điểm cấm đổ rác trên phố Phùng Chí Kiên (quận Cầu Giấy) cũng bị những người thiếu ý thức "rình mò" vứt trộm đồ đạc cũ hỏng vào đêm tối.
Chú thích ảnh
Những cuộn thảm xây dựng rách nát bị vứt trộm trên vỉa hè phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) không biết từ lúc nào.
Chú thích ảnh
Những tấm gỗ đóng thùng hàng lớn sau khi dỡ hàng được người dân vứt bỏ dưới lòng đường phố Trích Sài (quận Tây Hồ).

Qua tìm hiểu, hiện nay, TP Hà Nội đã ban hành định mức, đơn giá xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt… nhưng chưa có định mức, đơn giá xử lý rác thải cồng kềnh, khiến công tác thu gom, xử lý của các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường các quận, huyện của Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, do chưa có đơn giá, nên đối với lượng rác thải cồng kềnh phát sinh, đơn vị sẽ dùng xe tải nhỏ thu gom, nghiền nhỏ và chuyển lên bãi rác Nam Sơn để chôn lấp cùng với rác thải sinh hoạt. Vì vậy, khi người dân có nhu cầu di chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh, cần liên hệ với các đơn vị vệ sinh môi trường ở cơ sở để thu gom xử lý, hạn chế xả thẳng ra môi trường.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, tại nhiều địa phương, rác thải cồng kềnh đang bị đánh đồng với rác thải sinh hoạt. Nhưng thực tế lại khác, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh cao hơn nhiều so với rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, đơn giá xử lý rác thải cồng kềnh lại chưa có, dẫn đến hiện tượng rác thải cồng kềnh không được xử lý kịp thời. 

Để khắc phục, các đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được mối nguy hại của rác thải cồng kềnh nếu không được xử lý đúng cách. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần bố trí những điểm tập kết rác thải cồng kềnh để đảm bảo nhu cầu của người dân, tránh tình trạng tùy tiện, bạ đâu vứt đó. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp tập kết, đổ trộm phế thải sai quy định...

Chú thích ảnh
Bàn ghế, tủ, giường cũ hỏng... bị vứt trộm dưới chân trụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên phố Yên Lãng (quận Đống Đa), mặc dù tại đây được cắm biển Cấm đổ rác.
Chú thích ảnh
Cốp pha, xà gồ, vật liệu xây dựng cũ hỏng... bị vứt trộm dưới gầm cầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa).
Chú thích ảnh
Những đống ván ép mục vỡ bị vứt trộm ngay đầu ngõ vào Chùa Cát Linh, trên phố Cát Linh (quận Đống Đa)...
Chú thích ảnh
...cả cái bàn gỗ vẫn có thể sử dụng cũng bị vứt trộm tại đây.
Chú thích ảnh
Thậm chí, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Đống Đa phải xây dựng 1 kho lộ thiên làm điểm chuyển tải, thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh, khí xử lý.

TP Hà Nội hiện có 26 đơn vị thu gom, xử lý rác thải. Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) phụ trách duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường của 7/30 quận, huyện, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Mỹ Đức. Trong quá trình thu gom, nhân viên môi trường đã tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng quy định. Song, ý thức của không ít người dân hạn chế và đáng lên án. 

Từ đầu năm 2022, khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bắt đầu có hiệu lực, quy định trách nhiệm của người dân, hộ gia đình trong việc phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, Luật quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy từ năm 2022, khi Luật mới có hiệu lực, nếu người dân không tiến hành phân loại rác thải, cơ sở thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển.

Theo quy định tại Khoản 18 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 1, 2 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP: Hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 - 4.000.000 đồng, tùy mức độ vi phạm nặng nhẹ mà hình phạt sẽ được áp dụng tương ứng.

Rác thải không phân loại, rác thải cồng kềnh vứt bừa bãi trên đường phố Hà Nội hiện nay là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và sẽ không có hồi kết, nếu ý thức tự giác quản lý rác thải tại nguồn của người dân không được nâng cao. Bài toán sẽ có lời giải, khi có sự chung tay của người dân, đơn vị thu gom xử lý rác thải và cơ quan quản lý.

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Đường đi bộ ven sông Tô Lịch thành nơi bán trà đá, tập kết hàng rong, rác thải
Đường đi bộ ven sông Tô Lịch thành nơi bán trà đá, tập kết hàng rong, rác thải

Ngay khi tạm dừng hoạt động để phục vụ thi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, lối đi bộ ven sông Tô Lịch (Hà Nội) đã bị người dân lấn chiếm làm điểm tập kết hàng rong, bán trà đá, rác thải sinh hoạt và xây dựng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN