Sốt xuất huyết: Những dấu hiệu cần lưu ý và biện pháp phòng bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Úc, người có 40 năm kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết, có 3 bài học chính trong xử lý các ca mắc sốt xuất huyết là chẩn đoán sớm, điều trị đúng và theo dõi sát. Cho nên, cần phải lưu ý tới một số dấu hiệu liên quan tới sốt xuất huyết.

Chú thích ảnh
Bác sĩ tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Sốt xuất huyết gia tăng nhanh, 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 tử vong.

So với cùng kỳ năm 2021 (35.936/9) số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp. Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. Để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong tới mức thấp nhất, Bộ Y tế yêu cầu nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết.

Ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Bộ Y tế phân tuyến điều trị

Tính đến tuần 27, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 24.941 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 216% với cùng kỳ năm 2021. Số ca sốt xuất huyết trong tình trạng nặng là 373 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 1,4% (373/24.941), tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, địa bàn thành phố có 12 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định số ca bệnh sốt xuất huyết tại địa phương này và các tỉnh phía Nam sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới.

Còn theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, một tuần trở lại đây (từ ngày 4 đến 10/7), số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng nhanh. Toàn Thủ đô ghi nhận 79 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 1,5 lần so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 19 ổ bệnh sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện và 17 xã, phường, thị trấn với 254 ca mắc, giảm 41 ca so với cùng kỳ năm 2021, không có trường hợp tử vong.

Trong khi đó, kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết vừa qua cho thấy tại các hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử...

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có văn bản về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ.

- Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).

- Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị).

- Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết Dengue; sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; xuất huyết nặng; suy tạng nặng.

Bộ Y tế nêu rõ trạm y tế xã phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nội, Nhi, Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (trừ các trường hợp xem xét chỉ định nhập viện điều trị tại mục A, điều trị sốt xuất huyết Dengue phần IV. Điều trị của Quyết định 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế).

Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1.

Đối với mức độ 2, chỉ những bệnh viện đa khoa tư nhân đã được tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới tiếp nhận.

Đối với mức độ 3, chỉ những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng tiếp nhận.

Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và bệnh viện đa khoa tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên.

Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng có suy tạng, xuất huyết thì sơ cứu, hội chẩn chuyển tuyến trên.
Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi, Sản-Nhi tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền cho người dân diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Những dấu hiệu phải lưu ý

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Úc (nguyên Phó khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, có 40 năm kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết), nếu người bệnh sốt xuất huyết có 1 trong 5 dấu hiệu chuyển nặng dưới đây cần phải nhập viện để điều trị kịp thời:

1- Dấu hiệu thần kinh (người lừ đừ, bứt rứt).

2 - Nôn ói nhiều (nửa tiếng nôn 2 lần trở lên).

3- Đau bụng nhiều (đau theo cơn, phía hạ sườn phải).

4- Người bệnh bị sốt xuất huyết (bị chảy máu cam, máu răng).

5- Cơ thể mát.

Các dấu hiệu chuyển nặng này bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh nhân sẽ không sốt mà bước vào sốc, sốt xuất huyết, rối loạn nội tạng. Thời gian tử vong trong vòng 6 tiếng khi bước vào giai đoạn sốc nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Úc cho biết có 3 bài học chính đó là: chẩn đoán sớm, điều trị đúng và theo dõi sát.

Trong mùa dịch, tất cả các trường hợp sốt nên nghĩ đến sốt xuất huyết, khi loại trừ được sốt do sốt xuất huyết mới tính đến các bệnh khác như COVID-19, cúm... Nếu chẩn đoán sai, bệnh nhân có thể tử vong.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn người dân kiểm tra dụng cụ chứa nước ngăn chặn muỗi sinh sản. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/ TTXVN

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?

Bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm và thường gia tăng vào mùa mưa, với trung gian truyền bệnh chủ yếu  là muỗi Aedes Aegypti. Sốt xuất huyết Dengue gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên thường  được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban  ngày, hay đốt nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở  các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong  và xung quanh nhà như bể bơi, chum, vại, lu, giếng nước, hốc  cây, ở các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế lấy mẫu muỗi và loăng quăng/bọ gậy để tính các chỉ số véc tơ. Ảnh: Thùy Dung/ TTXVN

Những biện pháp phòng bệnh 

Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy.

- Phòng chống muỗi đốt

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Đảm bảo dinh dưỡng

Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, chia thành nhiều bữa nhỏ;  tránh các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, các thức ăn màu đỏ sẫm để tránh nhầm lẫn trong xuất huyết tiêu hóa. Không hút thuốc lá.

Uống nhiều nước, bù nước và điện giải bằng ORS hàng ngày, tăng cường nước hoa quả ép như cam, bưởi, chanh, nước dừa. Không uống rượu bia, café và các loại nước có gas…

Phương Phương (TTXVN)
Điểm đáng chú ý về dịch sốt xuất huyết ở Bình Dương
Điểm đáng chú ý về dịch sốt xuất huyết ở Bình Dương

Tính đến tuần thứ 27, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 7.282 ca mắc, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2021. Điểm đáng chú ý là số ca mắc sốt xuất huyết nặng tập trung chủ yếu ở độ tuổi dưới 15.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN