Lan tỏa ý nghĩa chương trình 'Trường em thay áo mới'

Ngày 12/7, tại Trường Tiểu học Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Quỹ Hy vọng, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy phối hợp tổ chức lễ ra quân chương trình “Trường em thay áo mới”.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức trao biển tượng trưng kinh phí hỗ trợ sơn sửa 35 điểm trường tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát

Chương trình có sự đồng hành của Tỉnh đoàn Quảng Bình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Bình và nguồn tài trợ từ Tập đoàn FPT.

“Trường em thay áo mới" là chương trình có ý nghĩa thiết thực được triển khai thực hiện, góp phần giúp giáo viên, học sinh ở địa bàn khó khăn có môi trường học tập khang trang, sạch đẹp, đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết: Toàn huyện có 85 đơn vị trường học. Trận lũ lịch sử năm 2020 khiến 70% trong số đó bị ngập, ảnh hưởng cơ sở vật chất cũng như công tác dạy học của giáo viên, học sinh. Đặc biệt, hai năm sau trận lũ lịch sử, nhiều ngôi trường vẫn còn “thương tích” do mưa lũ để lại; với hơn 320 phòng học cần sơn, sửa. Tuy nhiên, hiện nay nguồn ngân sách eo hẹp nên kinh phí sơn sửa lại các trường học trên địa bàn gặp không ít khó khăn.

Chương trình “Trường em thay mới” được Ban tổ chức triển khai thực hiện tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình với mục tiêu tạo diện mạo mới cho 35 ngôi trường đã xuống cấp thuộc các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương. Trong đó, ưu tiên thực hiện tại các trường học xuống cấp, với phòng học, phòng chức năng có các mảng tường bị ẩm mốc, bong tróc, làm mất mỹ quan sư phạm, ảnh hưởng không tốt đến vệ sinh và an toàn của học sinh.

Chú thích ảnh
35 điểm trường cũ, hư hỏng, xuống cấp tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình sẽ được "thay áo" mới trước thềm năm học 2022 - 2023. Ảnh: TTXVN phát

Bà Trần Thị Thu Hà, đại diện Quỹ Hy vọng bày tỏ: Hành trình 5 năm xây dựng, sửa chữa những ngôi trường mới cho trẻ em vùng cao, chúng tôi hiểu một ngôi trường khang trang, sạch sẽ có ý nghĩa với các em nhỏ. Mong rằng, chương trình này sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực để các thầy cô giáo, học sinh có được điều kiện dạy và học tốt hơn, góp phần giúp huyện Lệ Thuỷ nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung ngày càng phát triển.

Để hoàn thành công việc trước thềm năm học mới 2022 - 2023, bên cạnh việc triển khai thực hiện của các đội thi công chuyên môn, chương trình còn có sự tham gia, ủng hộ, đóng góp của 23 đội hình thanh niên tình nguyện với trên 300 tình nguyện viên gồm đoàn viên, thanh niên các xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy và các thầy cô giáo tại các điểm trường.

Ngay sau buổi lễ, các đoàn viên thanh niên tình nguyện, các thầy cô giáo đã bắt tay vào dọn dẹp, cạo sủi, chà nhám mặt tường để trả mặt bằng sạch cho các đội thi công triển khai sơn sửa; đồng thời sẽ cùng đồng hành hỗ trợ trong suốt quá trình thi công để đảm bảo tiến độ chương trình đề ra.

Võ Dung (TTXVN)
Hải Dương: Tập trung khắc phục khó khăn, bất cập trong lĩnh vực giáo dục, y tế
Hải Dương: Tập trung khắc phục khó khăn, bất cập trong lĩnh vực giáo dục, y tế

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hải Dương khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 12/7, 10 đại biểu đăng ký chất vấn với 12 câu hỏi và 3 câu hỏi của cử tri gửi đến qua Cổng thông tin điện tử HĐND tỉnh. Các câu hỏi tập trung nhiều vấn đề nóng về giáo dục, y tế và đảm bảo an ninh trật tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN