Nhiều người dân Hà Nội mắc cúm A nặng phải nhập viện

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều người dân bị mắc cúm A với tình trạng nặng, có tổn thương phổi, phải nhập viện điều trị.

Diễn biến nhanh, nặng

Tại khu vực điều trị bệnh nhân truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), hiện đang có 8 bệnh nhân mắc cúm A đang nằm điều trị; đa số các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng khá nặng.

Clip ghi nhận tình trạng gia tăng số bệnh nhân cúm A tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội):

Mới vào viện được 2 hôm, tuy đã cắt sốt nhưng vẫn mệt mỏi và thở dốc, chị Nguyễn Bích Hồng (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi khởi phát sốt rất cao tới gần 40 độ C, người mệt lử, uống thuốc hạ sốt nhưng không cắt sốt được. Lúc đó tôi nghĩ có thể bị tái nhiễm COVID-19 nên test thử thì không phải. Thấy tình trạng tôi quá mệt, đau buốt khắp người, nhức xương, quá đau đầu nên người nhà nhanh chóng đưa tôi vào bệnh viện. Khi các bác sĩ làm xét nghiệm thì phát hiện tôi mắc cúm A, tôi không biết cúm A lại diễn biến nặng như thế, nặng hơn khi tôi mắc COVID-19 rất nhiều”.

Theo bệnh nhân Nguyễn Bích Hồng, trước đó ít ngày bệnh nhân có đi chơi cùng với gia đình người bạn, sau đó trong đoàn có 4 người trong đoàn bị sốt, đi viện khám và đều bị cúm A; bệnh dễ lây lan và phát bệnh khá nhanh.

Cũng nằm viện điều trị vì cúm A được 4 hôm, đã cắt sốt, bà Nguyễn Thị Thêm (ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn còn lo lắng: “Cách đây 4 hôm tôi có triệu chứng sốt, lúc đầu hơi mệt; nhưng đến đêm thì triệu chứng nặng lên rất nhanh. Tôi cảm thấy rất đau đầu, đau buốt khắp người, chân tay không làm chủ được, nên người nhà phải đưa tôi đi viện. Khi vào khu vực Cấp cứu, tôi được làm các xét nghiệm thì được chẩn đoán mắc cúm A và tôi phải nhập viện ngay. Các triệu chứng của tôi đến nay chủ yếu là sốt cao, ho, được điều trị kịp thời nên hiện các triệu chứng của tôi đã giảm”.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân cúm A điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, phụ trách công tác chống dịch bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Những ngày gần đây, tại Bệnh viện Thanh Nhàn có dấu hiệu gia tăng bệnh nhân mắc cúm A. Có những ngày, chúng tôi tiếp nhận khoảng hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào viện; trong khi trước đó chỉ ghi nhận lác đác một vài ca”.

Theo BS. Nguyễn Thu Hường, thông thường là bệnh nhân cúm A được đưa đến viện trong tình trạng sốt rất cao, bệnh nhân mệt mỏi và có biểu hiện giống như hội chứng cúm thông thường. Lý do các bệnh nhân được đưa đến viện thường là sốt rất cao không hạ, rất mệt mỏi; nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã ít nhiều có tổn thương phổi, có tình trạng của viêm phổi do cúm A. Cũng có những trường hợp bệnh nhân đã diễn biến sang suy hô hấp. Tuy vậy, do được can thiệp điều trị kịp thời, các bệnh nhân đều có cải thiện tốt, hiện tại thì chưa ghi nhận các biến chứng rủi ro sau quá trình điều trị cúm A. Nếu điều trị đúng cách và cải thiện tốt, thường sau 5- 7 ngày, bệnh nhân có thể ra viện nếu như không có bội nhiễm.

Chú thích ảnh
Hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng sốt rất cao, đau buốt người, một số triệu chứng của cúm mùa.

Cách phòng cúm giống COVID-19

BS. Nguyễn Thu Hường cũng cảnh báo: “Hiện tại bệnh viện đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp do bị mắc cúm A. Vì vậy, trong thời điểm này, dịch chồng dịch, đối với những người có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, những người mắc các bệnh lý nền cần có sự chuẩn bị tốt về sức khỏe trong trường hợp bị mắc cúm A”.

Theo đó, qua ghi nhận, ở người mắc cúm A, hay gặp nhất là tình trạng viêm phổi; đặc biệt bệnh nhân có thể viêm phổi dạng tiến triển nhanh, có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Vì vậy, bác sĩ cũng khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như COVID-19. Để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông; nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày; nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Đặc biệt, hiện cúm mùa đã có vaccine phòng bệnh, người dân nên tiêm vắc xin cúm mùa, vì đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên
Bệnh nhi mắc cúm A ở Yên Bái tăng đột biến
Bệnh nhi mắc cúm A ở Yên Bái tăng đột biến

Ngày 27/12, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái Trần Văn Hiển cho biết, trong tháng 12/2019, bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhi mắc cúm A.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN