Hải quân Pakistan tìm cách khắc phục lỗi trên tàu chiến mua từ Trung Quốc

Hải quân Pakistan đang phải giải quyết các vấn đề của ít nhất 4 khinh hạm đa năng do Trung Quốc sản xuất.

Chú thích ảnh
Khinh hạm F-22P Zulfiquar của hải quân Pakistan thăm cảng Klang, Malaysia. Ảnh: WC

Theo phân tích mới đây của trang tin Geopolitica.info (Italy), cụ thể, 3 trong số 4 khinh hạm trên được mua lại từ Công ty Thương mại Đóng tàu Trung Quốc và một chiếc được đóng tại Nhà máy Đóng tàu và Công trình Kỹ thuật Karachi theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ với công ty Trung Quốc.

Pakistan đã ký một thỏa thuận trị giá 750 triệu USD với Trung Quốc vào năm 2005 để thiết kế và chế tạo các khinh hạm đa nhiệm lớp F-22P, được giao hàng từ tháng 9/2009 đến tháng 4/2013.

Các khinh hạm này được trang bị vũ khí và hệ thống phòng thủ mới nhất, rất quan trọng đối với vai trò chính là hộ tống, tăng cường khả năng phòng không cho các tàu hoạt động trên biển, ngăn chặn các lực lượng tác chiến mặt nước của đối phương, tuần tra, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)...

Sau khi đưa các tàu khu trục vào hoạt động, Hải quân Pakistan phát hiện ra rằng thiết bị hình ảnh của hệ thống tên lửa FM90 (N) bị lỗi hiển thị. Hệ thống không thể khóa mục tiêu, khiến tên lửa hoạt động kém hiệu quả, do đó không thể thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Lý do là vì những con tàu này được trang bị hệ thống cảm biến tia hồng ngoại (IR17) và radar SR 60 bị lỗi. 

Các radar tìm kiếm và theo dõi này được phát hiện có lỗi trong quá trình truyền công suất cao, làm suy giảm đáng kể khả năng hoạt động. Các cảm biến IR17 trên tất cả các tàu bị phát hiện bị lỗi và phải loại bỏ, với thiết bị thay thế vẫn chưa được trang bị.

Một loạt lỗi phổ biến khác ở các khinh hạm do Trung Quốc chế tạo là động cơ chính. Các khinh hạm này được trang bị bốn động cơ diesel. Một khiếm khuyết nghiêm trọng của động cơ là tốc độ động cơ thấp do nhiệt độ khí thải cao, đặc biệt là ở động cơ 3 và 4, trên tất cả các khinh hạm.

Vỏ và ống lót xi-lanh động cơ đã xuống cấp, điều này làm giảm chất lượng của hóa chất làm mát trong tàu. Giảm chất lượng dầu bôi trơn và hư hỏng bộ rung là một số lỗi khác trong động cơ.

Ngoài những vấn đề chung này, còn có một số vấn đề cụ thể đối với từng khinh hạm lớp Zulfiquar, chẳng hạn như hiệu suất kém của radar trên tàu PNS Aslat và lỗi ở pháo 76mm của tàu PNS Zulfiqar.

Các bộ phận quan trọng bị lỗi và dịch vụ kém từ các nhà sản xuất Trung Quốc đã buộc Hải quân Pakistan phải vận hành 4 khinh hạm này với khả năng hoạt động hạn chế, ảnh hưởng đến một số mục tiêu nhiệm vụ chính mà các tàu này đã được giao, trong khi lại phải mua với giá cao.

Theo eurasiantimes.com, đây không phải là lần đầu tiên Pakistan gặp vấn đề với các thiết bị quốc phòng do Trung Quốc sản xuất. Hồi tháng 2, quân đội Pakistan được cho là đã phải đối mặt với các vấn đề về chất lượng và độ tin cậy với xe tăng chiến đấu chủ lực VT 4 và pháo hạng nặng 203 mm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các cuộc thử nghiệm sau giao hàng và thử nghiệm bắn tại thao trường đã gặp phải một số vấn đề.

Chú thích ảnh
Xe tăng chiến đấu VT4 (MBT) do Trung Quốc sản xuất tại Lễ diễu hành Ngày  Quốc khánh Pakistan. Ảnh: ISPR

Ngoài Pakistan, các khách hàng khác cũng gặp phải vấn đề tương tự với vũ khí mua từ Trung Quốc. Ví dụ, Không quân Hoàng gia Jordan đã mua 6 máy bay chiến đấu không người lái CH-4B (UCAV) do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) sản xuất, sau đó họ quyết định bán bớt do không hài lòng với hiệu suất của những chiếc UCAV này.

Một ví dụ khác là Không quân Bangladesh đã mua 23 máy bay huấn luyện cơ bản Nanchang PT-6 từ Tổng công ty Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Quốc gia Trung Quốc (CATIC), nhưng chúng cũng bị lỗi.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn đang bắt kịp các nhà cung cấp vũ khí lớn khác như Mỹ và Nga, những nước có công nghệ vượt trội. Tuy nhiên, vũ khí của Trung Quốc không được thử nghiệm chiến đấu như vũ khí của Mỹ và Nga được sử dụng trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới.

Công Thuận/Báo Tin tức (Geopolitica.info/eurasiantimes.com)
Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ phụ tùng thay thế cho máy bay Nga
Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ phụ tùng thay thế cho máy bay Nga

Đại sứ Trung Quốc tại Nga cho biết Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp phụ tùng thay thế cho máy bay Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN