Tâm lý lo ngại về kinh tế Trung Quốc tác động mạnh tới chứng khoán châu Á

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch 24/5 trước những lo ngại về tác động của các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại Trung Quốc đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi nhiều ngân hàng đầu tư đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này.

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Khép lại phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,9% xuống 26.748,14 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) để mất 1,8% xuống 20.112,10 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) lùi 2,4% và đóng phiên với 3.070,93 điểm.

Sắc đỏ cũng bao trùm hầu hết các thị trường khác trong khu vực như Seoul, Đài Bắc, Sydney, Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur và Manila.

Sự khởi sắc mạnh mẽ trước đó tại Phố Wall, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng đến 2%, đã không thể nâng đỡ cho thị trường châu Á. Và việc Trung Quốc công bố một loạt biện pháp mới để kích thích nền kinh tế cũng chưa thể trấn an được tâm lý của giới đầu tư.

Cuộc họp điều hành của Quốc vụ viện Trung Quốc mới đây do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì đã quyết định thực hiện 33 biện pháp trên sáu khía cạnh, chủ yếu bao gồm lĩnh vực tài chính và các chính sách liên quan để giữ cho hoạt động của các thị trường và việc làm ổn định. Chính sách hoàn lại các khoản tín dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) còn tồn đọng và mới sẽ được mở rộng cho nhiều ngành công nghiệp hơn, dự kiến sẽ tăng số tiền hoàn thuế lên thêm 140 tỷ NDT và nâng tổng số tiền giảm thuế trong năm nay lên 2.640 tỷ NDT.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề từ chính sách “Zero-COVID” (Không COVID), khi nhiều thành phố lớn bị phong tỏa và hàng triệu người phải tiến hành xét nghiệm. Tình trạng phong tỏa kéo dài đã gây áp lực lên chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu tiêu dùng và khiến hoạt động sản xuất bị trì trệ.

Ngân hàng UBS ngày 24/5 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 từ 4,2% xuống 3%, sau khi ngân hàng JPMorgan ngày 23/5 cũng có động thái tương tự, hạ dự báo tăng trưởng của nước này từ 4,3% xuống 3,7%.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong cả năm nay, nhưng số liệu được công bố hồi tháng Tư cho thấy tăng trưởng quý I của nước này đã giảm tốc chỉ còn 4,8% sau khi nền kinh tế mất đà trong nửa cuối năm ngoái.

Giới đầu tư đang đón đợi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm manh mối về các đợt nâng lãi suất tiếp theo nhằm kiềm chế lạm phát. Một loạt số liệu kinh tế sắp được công bố cũng sẽ đem lại cái nhìn tổng quan về thể trạng kinh tế Mỹ.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 24/5, VN-Index tăng 14,57 điểm lên 1.233,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 528,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 13.416 tỷ đồng. Toàn sàn có 224 mã tăng giá, 210 mã giảm giá và 67 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 5,3 điểm lên 305,96 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 79,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.712,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 95 mã tăng giá, 97 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,51 điểm xuống 93,12 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 55,57 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.001,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 101 mã tăng giá, 158 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.

Khánh Ly/TTXVN (Theo AFP)
Giá dầu châu Á giảm gần 1 USD trong chiều 24/5
Giá dầu châu Á giảm gần 1 USD trong chiều 24/5

Giá dầu châu Á giảm gần 1 USD vào chiều 24/5 do lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế cùng chính sách chống dịch COVID-19 của Trung Quốc đã vượt qua sự hỗ trợ từ nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và mùa cao điểm tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ sắp đến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN