Những rủi ro với Phần Lan khi gia nhập NATO

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cảnh báo rằng việc gia nhập NATO cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nước này.

Chú thích ảnh
Nga cảnh báo sẽ "tái cân bằng" nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ảnh: AFP

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, quan điểm ủng hộ tư cách thành viên NATO tại Phần Lan đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử nước này. Chính phủ Phần Lan đang cân nhắc khả năng nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương do Mỹ đứng đầu vào mùa Hè năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cảnh báo rằng việc gia nhập NATO cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nước này.

Theo báo Helsingin Sanomat (Phần Lan), dưới đây là một số nguy cơ đối với Phần Lan khi trở thành thành viên NATO.

Nga sẽ gia tăng áp lực và đáp trả

Nga đã tuyên bố phản đối việc mở rộng NATO. Hồi cuối tháng 3, Antti Pelttari, người đứng đầu Cơ quan An ninh Phần Lan (Supo), cho biết Moskva có khả năng gia tăng các hoạt động mạng nhằm vào Phần Lan trong những tháng tới.

Chuyên gia Mika Aaltola, Giám đốc Viện Vấn đề quốc tế Phần Lan cho rằng Nga có thể sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ngay gần biên giới Phần Lan để gây áp lực.

Theo Tổng thống Niinistö, với tư cách thành viên NATO, biên giới phía Đông của Phần Lan sẽ trở nên căng thẳng hơn trước. Cụ thể, Nga có thể thành lập các đơn vị quân sự mới ở khu vực giáp biên giới Phần Lan. Tuy nhiên, Moskva sẽ mất vài năm để thành lập một đơn vị hỗn hợp tương đương cấp Lữ đoàn. 

Phần Lan sẽ buộc phải tham chiến trong các chiến dịch của NATO

Là một thành viên của NATO, Phần Lan sẽ được hỗ trợ an ninh từ các đồng minh của mình, nhưng cũng sẽ phải đảm bảo an ninh cho các thành viên khác. Ví dụ, nếu Phần Lan thuộc NATO, các nước Baltic có thể được bảo vệ trong tình huống chiến tranh thông qua Phần Lan và không phận của nước này. Điều này có thể khiến một cuộc tấn công vào lãnh thổ Phần Lan tăng lên.

Mặt khác, khi là thành viên NATO, nguy cơ Phần Lan tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế sẽ tăng lên. Theo Hiệp ước NATO, tấn công vào một quốc gia NATO là tấn công tất cả thành viên. Với tư cách thành viên NATO, Phần Lan cũng có thể trở thành một bên trong cuộc xung đột.  

Tuy nhiên, Phần Lan sẽ không có nghĩa vụ tham gia tất cả hoạt động của NATO. Từng nước thành viên sẽ tự quyết định sự can dự của mình. Mặc dù vậy, NATO cũng muốn Phần Lan sẽ tích cực tham gia vào hoạt động phòng thủ chung, đặc biệt ở khu vực Baltic.

Phần Lan sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng

NATO đặt mục tiêu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Năm 2022, Phần Lan chi 1,96% GDP cho quốc phòng, gần đạt mức mục tiêu của NATO. Tuy nhiên, đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên do chi phí mua sắm máy bay chiến đấu đặc biệt.

Mới đây, Chính phủ Phần Lan đã quyết định bổ sung kinh phí cho quốc phòng, với tổng trị giá hơn 2 tỷ Euro cho giai đoạn 2023-2026. Bộ trưởng Quốc phòng Antti Kaikkonen cho biết việc bổ sung này là do cuộc xung đột Nga-Ukraine và mục tiêu là đảm bảo xung đột không xảy ra ở biên giới Phần Lan.

Vũ khí hạt nhân sẽ triển khai ở Phần Lan?

Khả năng răn đe của NATO chủ yếu dựa vào vũ khí hạt nhân. NATO là một "liên minh vũ khí hạt nhân" và việc tham gia có nghĩa là chấp nhận học thuyết vũ khí hạt nhân. Với tư cách là một thành viên của NATO, biện pháp răn đe này cũng sẽ đảm bảo an ninh cho Phần Lan.

Do đó, Phần Lan sẽ phải chịu áp lực khi tham gia vào việc hoạch định chính sách vũ khí hạt nhân của NATO. Nhóm Kế hoạch Hạt nhân (NPG) chịu trách nhiệm định hình chính sách vũ khí hạt nhân và học thuyết hạt nhân của NATO.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai ở Phần Lan. Hiện vũ khí hạt nhân không được triển khai ở hầu hết các nước NATO. Theo quan điểm của NATO, việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Phần Lan có thể không mang lại lợi ích: Phần Lan giáp biên giới Nga nên trong một tình huống chiến tranh, vũ khí hạt nhân sẽ phải được khai hỏa hoặc rơi vào tay đối phương.

Công Thuận/Báo Tin tức
Sức mạnh tên lửa hành trình nội địa mà Ukraine tuyên bố bắn trúng soái hạm Nga
Sức mạnh tên lửa hành trình nội địa mà Ukraine tuyên bố bắn trúng soái hạm Nga

Ukraine tuyên bố đã tấn công soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga bằng hai quả tên lửa hành trình Neptune sản xuất trong nước, mặc dù Moskva khẳng định nguyên nhân sự cố tàu là do hoả hoạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN