Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 chủ đề 'Hợp lực chuyển đổi số'

Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - ASIA DX Summit 2022) với chủ đề "Hợp lực chuyển đổi số" sẽ diễn ra ngày 24-25/5 trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến trên các kênh truyền thông của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).

Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Chương trình năm nay được mở rộng quy mô khu vực, dự kiến có các phiên chuyên đề chuyên sâu của tổ chức doanh nghiệp từ nhiều nước trong khu vực, góp phần mang đến cơ hội kết nối giữa các địa phương với doanh nghiệp công nghệ, giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Á trong các lĩnh vực của chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thông tin trên được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam cung cấp ngày 14/4.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Nguyễn Văn Khoa cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng sâu sắc do dịch COVID-19, Hiệp hội đã nhanh chóng kết nối với các đơn vị để tổ chức Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 với mong muốn góp phần thực hiện trực tiếp những nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Ban Tổ chức kỳ vọng tập hợp được các nguồn lực từ nhiều phía để tăng tốc chuyển đổi số; tạo ra những hệ sinh thái số hoàn chỉnh, phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Để góp phần thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số,  Hiệp hội đã thành lập 2 ủy ban chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này trong giai đoạn 2022 - 2025 là  Ủy ban Phát triển Chính phủ số và Ủy ban Chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Bà Vũ Phương Thảo, Giám đốc Ban Dịch vụ Phát triển doanh nghiệp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chia sẻ, sự kiện Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 gồm 5 hoạt động chính. Trong đó, chương trình hội nghị sẽ có 22 phiên thảo luận tập trung vào 4 chuyển đề lớn là Chính phủ số, Doanh nghiệp số, Kinh tế số - xã hội số và Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số. Cùng với đó là hoạt động bên lề hội thảo gồm triển lãm giới thiệu các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số xuất sắc; chương trình đào tạo về chuyển đổi số cho danh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất và chuyển đổi nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo. Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn có phần trao đổi, hỏi đáp chuyên gia về chuyển đổi số, kết nối hợp tác chuyển đổi số giữa các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế...

Đặc biệt, diễn đàn diễn ra trong bối cảnh bình thường mới dự kiến thu hút 3.000 đại biểu khách mời tham dự trực tiếp và trên 10.000 đại biểu theo dõi trực tuyến. Ngoài mong muốn đưa kinh nghiệm chuyển đổi số quốc tế đến với các cơ quan tổ chức Việt Nam, Ban Tổ chức mong muốn thúc đẩy kết nối hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp công nghệ số trong nước và quốc tế.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát nhiều đợt trên toàn quốc khiến các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều bị ảnh hưởng. GDP của Việt Nam tăng trưởng 2,59% chỉ bằng 50% so với dự báo. Đặc biệt, có đến gần 55.000 doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động. Con số trên cho thấy các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có sức đề kháng rất yếu và dễ bị tổn thương, phá sản do các tác động của rủi ro. Hầu hết là các tổ chức, doanh nghiệp chưa chuẩn bị, chưa chủ động sẵn sàng chuyển đổi số dù đã có cả năm 2020 để thích ứng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ đã khởi động, phát động chuyển đổi số trong 2 năm 2020-2021. Năm 2022 sẽ là năm tăng tốc chuyển đổi số làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, trên 95% các địa phương trong cả nước đã ban hành nghị quyết hay kế hoạch hay chương trình về chuyển đổi số.

Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 27/QĐ-UBCĐSQG, ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với những mục tiêu mới. Cụ thể, về việc xây dựng Chính phủ số hướng tới mục tiêu 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, 50% thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, 50% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục, 50% báo cáo của cơ quan hành chính thực hiện trực tuyến. Về kinh tế số và xã hội số hướng tới 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiêp sử dụng hóa đơn điện tử, 50% dùng hợp đồng điện tử, thương mại điện tử chiếm 7% tổng mức bán lẻ…

Ngọc Bích (TTXVN)
Báo chí 'chuyển mình' để phù hợp với chuyển đổi số
Báo chí 'chuyển mình' để phù hợp với chuyển đổi số

Trong bối cảnh chuyển đổi số, điều quan trọng nhất với các cơ quan báo chí là yếu tố con người, tư duy, bên cạnh việc đầu tư công nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN