Phụ huynh, giáo viên vui mừng khi Hà Nội mở cửa trường mầm non

Ngay khi nhận được tin Hà Nội cho học sinh mầm non đi học trở lại từ ngày 14/3 tới, các phụ huynh đã lên kế hoạch sắp xếp lại cuộc sống gia đình trong khi các trường tích cực chuẩn bị đón học sinh
Phụ huynh, giáo viên vui mừng khi Hà Nội mở cửa trường mầm non ảnh 1Học sinh mầm non của Thủ đô sẽ trở lại trường từ ngày 13/4. (Ảnh: CTV)

Quyết định hỏa tốc cho học sinh mầm non đi học trở lại từ ngày 13/4 tới đây của Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận của nhiều phụ huynh học sinh và các nhà trường, dù với nhiều trường tư thục, thời gian chuẩn bị là quá gấp gáp.

Phụ huynh vui mừng

Mầm non là bậc học nghỉ dài nhất và cũng là bậc học duy nhất không triển khai học online. Dù theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngành giáo dục Thủ đô, các giáo viên hàng tuần vẫn gửi các bài học cho học sinh, nhưng theo đánh giá của các phụ huynh, hiệu quả giáo dục không nhiều. Đặc biệt, việc học sinh mầm non nghỉ học quá lâu cũng gây xáo trộn lớn với cuộc sống của các gia đình khi các con còn quá nhỏ, không thể tự ở nhà một mình như học sinh các bậc học lớn hơn.

Vì vậy, việc mở cửa lại các trường mầm non là niềm vui lớn của các phụ huynh.

Có hai con đang ở độ tuổi mầm non, con nhỏ hai tuổi và con lớn 4 tuổi, chị Phạm Thị Hương (quận Hoàng Mai) cho hay việc các con sẽ được trở lại trường với chị là niềm vui lớn khi các con sẽ được đoàn tụ cùng gia đình. “Trường đóng cửa từ tháng Năm năm ngoái, tôi buộc phải đưa các con về quê ở cùng ông bà vì bố mẹ phải đi làm, không có người trông. Gia đình chia đôi, bố mẹ phát cuồng vì nhớ con, còn các con cũng rất muốn được ở cùng bố mẹ. Với quyết định mới của thành phố, tôi rất hạnh phúc khi đợt nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương này, chúng tôi sẽ có thể đón các con trở lại Hà Nội,” chị Hương chia sẻ.

Với các phụ huynh có con lớp 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, niềm vui này càng lớn hơn. Anh Phạm Văn Nam (quận Nam Từ Liêm) cho biết con nghỉ học cả năm, điều anh lo lắng nhất là con sẽ vào lớp 1 mà không có chút nền tảng kiến thức nào.

“Ở trường mầm non, lớp 5 tuổi sẽ được các cô dạy bảng chữ cái để các con có học đọc khi lên lớp 1, được chuẩn bị các hành trang cần thiết cho bậc tiểu học. Tôi rất sốt ruột khi đã hết năm học đến nơi mà con mình vẫn ở nhà, không biết sẽ vào lớp 1 như thế nào, khi chưa biết mặt chữ cái nhưng lại phải ráp vần. Vì thế, việc con sẽ đi học lại từ ngày 13/4 tới đây khiến tôi thấy yên lòng hơn,” anh Nam nói.

Giáo viên háo hức

Đi học trực tiếp trở lại cũng là niềm vui lớn của các nhà trường sau gần tròn một năm đóng cửa. Cô Nguyễn Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) cho hay từ mấy ngày nay, khi Hà Nội quyết định cho học sinh tiểu học được đi học trực tiếp, các giáo viên trong trường đã rất hy vọng Hà Nội sẽ tiếp tục mở cửa với trường mầm non. Vì thế, các cô đều tích cực chuẩn bị để có thể đón học sinh của mình trở lại. Nhà trường cũng tích cực tuyên truyền đến phụ huynh để tạo sự đồng thuận.

Phụ huynh, giáo viên vui mừng khi Hà Nội mở cửa trường mầm non ảnh 2Trẻ được đến trường là niềm vui lớn của phụ huynh. (Ảnh: CTV)

“Chúng tôi thực hiện vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị bếp ăn bán trú vì đây là điều rất quan trọng với trẻ mầm non. Trường cũng lựa chọn xây dựng thực đơn tăng cường sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đi học. Mọi công tác sẽ sẵn sàng ở mức tốt nhất có thể để đón các con trở lại trường,” cô Hương nói.

Cũng theo cô Hương, do trẻ nghỉ học quá lâu nên dù thời gian năm học này không còn nhiều nhưng việc đi học trực tiếp trở lại sẽ giúp cho học sinh khi vào năm học mới sẽ có nề nếp hơn. Điều này càng có ý nghĩa hơn với trẻ mầm non 5 tuổi khi các giáo viên sẽ có cơ hội để bổ sung các kiến thức cần thiết cho các con, chuẩn bị cho chuyển cấp lên tiểu học.

“Cảm xúc rất vui, hạnh phúc và chúng tôi rất mong chờ ngày được đón học sinh tới trường,” cô Hương chia sẻ.

Với các cơ sở mầm non ngoài công lập, niềm vui càng lớn hơn nữa khi mở lại trường đồng nghĩa với việc chủ trường sẽ có nguồn thu, có thể tiếp tục duy trì trường lớp, giáo viên có việc làm và có thu nhập, dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất hạnh phúc khi có thể được tiếp tục sống với nghề, với công việc mà mình tâm huyết,” cô Trần Thanh Hà (quận Hoàng Mai) chia sẻ.

["Bóng ma" COVID-19: "Giải cứu" hệ thống mầm non ngoài công lập]

Đã phải giải thể cơ sở mầm non tư thục của mình khi không thể trang trải kinh phí duy trì trường sau thời gian nghỉ dịch quá lâu nhưng cô Hà cho hay đã có kế hoạch phối hợp cùng một người bạn để có thể mở cơ sở mới.

Cũng theo cô Hà, so với các trường công, khối trường tư có nhiều khó khăn hơn như cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng sau một năm đóng cửa, thiếu giáo viên do nhiều cô đã chuyển nghề vì nghỉ dịch quá lâu, thiếu tài chính do cả năm trời chỉ chi mà không có thu…

“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực để có thể đảm bảo được chỗ học cho học sinh. Chúng tôi cũng rất mong sớm nhận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thể vực dậy hệ thống mầm non tư thục sau những ảnh hưởng quá nặng nề của dịch COVID-19,” cô Hà nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục