Đô đốc Mỹ hé lộ về vũ khí phòng thủ duy nhất chống tên lửa siêu vượt âm

Sau khi Mỹ hủy bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1972 đặt ra giới hạn về việc tạo ra một lá chắn tiêu diệt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Nga và Trung Quốc đã lần lượt triển khai các vũ khí siêu vượt âm đầu tiên vào năm 2017 và 2019.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ màn đối đầu giữa tên lửa và vũ khí siêu vượt âm. Ảnh: DARPA

Phó Đô đốc Jon Hill cho biết tên lửa đất đối không Standard Missile 6 (SM-6), loại vũ khí chống đạn đạo và chống hạm được Hải quân Mỹ sử dụng, hiện là phương tiện phòng thủ duy nhất của Lầu Năm Góc trước tên lửa siêu vượt âm của đối phương. 

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề do Hiệp hội Kỹ sư Hải quân Mỹ tổ chức vào tuần trước, ông Hill lên tiếng đảm bảo trước những người tham dự rằng Hải quân đã có khả năng tiêu diệt tên lửa siêu vượt âm của đối phương bằng cách sử dụng các mảng cảm biến hiện có. “Chúng ta đang nhìn thấy chúng, chúng ta đang thu thập dữ liệu về chúng”, ông nói.

Phó Đô đốc lưu ý rằng SM-6 thực sự là khả năng phòng thủ siêu vượt âm duy nhất của quốc gia vào lúc này.

Chú thích ảnh
Tên lửa SM-6 rời bệ phóng. Ảnh: CCO

Theo ông Jon Hill, Hệ thống chiến đấu Aegis đóng trên một số tàu chiến của Hải quân Mỹ cùng với tên lửa SAM tiêu chuẩn RIM-66 cũng góp phần làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo và siêu vượt âm trong giai đoạn cuối - tức là giai đoạn cuối trong chuyến bay của tên lửa khi đã được xác định quỹ đạo. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng các hệ thống phòng thủ đầu cuối này không đủ để chống lại các mối đe dọa siêu vượt âm.

SM-6, còn được gọi là RIM-174 và Tên lửa Chủ động Tầm mở rộng Tiêu chuẩn (ERAM), được phát triển bởi Raytheon vào những năm 2000 và được đưa vào phiên chế của Hải quân Mỹ năm 2013. Hải quân Australia, Hàn Quốc và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã đặt mua vũ khí này. Ngoài vai trò chính nhằm tiêu diệt máy bay, máy bay không người lái và tên lửa, các hệ thống này còn được coi là một tên lửa hành trình chống hạm.

Vì quân đội Mỹ chưa có hệ thống tên lửa siêu vượt âm nào tại hời điểm hiện tại nên tên lửa SM-6 vẫn chưa được thử nghiệm chống lại mục tiêu này.

Vào năm 2016, Hải quân đã thử nghiệm phóng một tên lửa SM-6 nâng cấp để đánh chặn tên lửa đạn đạo thông thường vào giai đoạn cuối. Trong năm 2016 và một lần nữa vào năm 2017, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa đã thử nghiệm loại vũ khí này chống lại hai mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung khác. Cả hai cuộc thử nghiệm đều được coi là thành công.

Tháng 4/2021, quân đội Mỹ đã buộc phải trì hoãn cuộc thử nghiệm tên lửa SM-6 ngoài khơi đảo Kauai ở Hawaii do sự hiện diện của tàu tình báo Kareliya của Nga gần đó. Vụ phóng thử được lên lịch lại sau đó đã kết thúc thất bại khi chỉ có một trong hai mục tiêu tên lửa đạn đạo mô phỏng bị đánh chặn thành công. Quân đội Mỹ không đưa ra lời giải thích tại sao điều này xảy ra.

Hiện không có quốc gia nào công khai khả năng phòng thủ trước tên lửa siêu vượt âm. Tuy nhiên, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cam đoan rằng hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 Prometheus sẽ có thể đánh chặn và tiêu diệt một loạt các mục tiêu siêu vượt âm. Hệ thống này bắt đầu được đưa vào trang bị cho quân đội Nga vào tháng 9/2021, với khoảng 30 chiếc đã được chuyển giao.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
'Chiến tranh Các vì sao’ - cuộc chạy đua tiêu diệt vũ khí siêu vượt âm
'Chiến tranh Các vì sao’ - cuộc chạy đua tiêu diệt vũ khí siêu vượt âm

Các cường quốc đang loại bỏ những thiết kế vũ khí chống vệ tinh và phòng thủ tên lửa ngoài vũ trụ cũ để bắt đầu cuộc đua chống lại mối đe dọa tên lửa trong thời đại mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN