Cần cơ chế đặc thù cho cao tốc Bắc Nam

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cần có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, xây lắp, nếu không sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Cân nhắc kỹ lưỡng mức thu phí

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, sau khi các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành, sẽ đồng loạt thu phí để thu hồi vốn Nhà nước thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thu phí trong một thời hạn 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm.

Mức thu phí sẽ được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở quy định pháp luật. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thu phí đối với các tuyến đường bộ cao tốc trọng điểm đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước này để thu hồi vốn đầu tư, quản lý vận hành và điều tiết giao thông. Các cơ quan của Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện Đề án thu phí trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua, làm cơ sở triển khai.

Tính toán sơ bộ của Bộ GTVT cho thấy, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng. Nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu), trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm khoảng 30.000 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Cần cơ chế đặc thù cho cao tốc Bắc Nam.

Mức phí dịch vụ sẽ được các cơ quan Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người sử dụng dịch vụ và hạn chế tác động, điều tiết lưu lượng giao thông phù hợp với năng lực khai thác giữa các tuyến đường song hành. Trường hợp nhượng quyền thu phí không thành công, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu áp dụng hình thức thuê dịch vụ thu phí từ các nhà cung cấp hiện nay đang triển khai như VETC, VDTC (Vietel)... để thu hồi vốn Nhà nước.

Qua tìm hiểu, các tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ được triển khai liên dịch vụ thu phí thông trên toàn bộ 12 dự án giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án giai đoạn 2017 - 2020, áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng, bố trí trạm tại các điểm ra, vào đường cao tốc, thu phí theo số km thực tế sử dụng. Việc đưa hệ thống thu phí điện tử không dừng (112 trạm trên toàn quốc) vào hoạt động đã góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, bước đầu tạo được sự thuận tiện, niềm tin cho người sử dụng dịch vụ, số lượng các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ không dừng ngày càng tăng cao (khoảng hơn 2 triệu phương tiện đã dán thẻ để tham gia dịch vụ), doanh thu thu phí ETC tại các trạm tăng từ 19% trong quý I/2021 lên đến 40% trong quý IV/2021.

Tuy nhiên, thực tế, do hệ thống thu phí điện tử không dừng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng (cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ, chủ phương tiện giao thông...), nên trong quá trình vận hành hệ thống vẫn bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc cho lái xe và doanh nghiệp vận tải. Để khắc phục, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông; tổ chức tuyên truyền, vận động; cải thiện, đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền để thuận tiện cho người sử dụng.

Đảm bảo đu vật liệu xây dựng cao tốc

Liên quan đến nguồn vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn 202 -2025, kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án của Bộ GTVT cho thấy, nhu cầu về vật liệu đắp đối với dự án cần khoảng 32 triệu m3; trong đó, các dự án thành phần đoạn qua khu vực miền Trung (đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang) cơ bản có thể đáp ứng; đối với đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nguồn cung về đất đắp rất khan hiếm, nên phải thay thế đắp nền bằng cát.

Rút kinh nghiệm quá trình triển khai các dự án giai đoạn 2017 - 2020, trong bước nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT tính toán xác định cụ thể nhu cầu vật liệu đối với từng dự án, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đánh giá kỹ tình trạng các mỏ đang khai thác, kịp thời triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch mỏ, quy hoạch sử dụng vật liệu và cấp phép các mỏ mới theo đúng quy định để đảm bảo mục tiêu xây dựng đề ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ có cơ chế, giải pháp quản lý chặt chẽ về giá vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm các tình trạng đầu cơ, nâng giá, gây khó khăn trong triển khai đầu tư các dự án, bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Về tổng mức đầu tư các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 146.990 tỷ đồng, Bộ GTVT đã tính toán chiều dài từng cầu, hầm, kể cả địa chất, thủy văn... làm cơ sở thuê tư vấn lập dự án, xác định cụ thể hướng tuyến đầu tư; đảm bảo sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán, mới chỉ định thầu và đấu thầu.

"Vì vậy, dự án cần cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp, hạn chế kéo dài thời gian thi công. Nếu được Quốc hội thông qua, mỗi bước đấu thầu sẽ rút ngắn khoảng 2 tháng và tiết kiệm ít nhất 6 - 9 tháng xây dựng. Riêng công tác chỉ định thầu, đảm bảo công khai, minh bạch và Chính phủ cũng đã dự kiến thành lập hội đồng liên bộ để xét tuyển", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Xử lý hướng tuyến các đoạn cao tốc Bắc Nam trùng đường Hồ Chí Minh
Xử lý hướng tuyến các đoạn cao tốc Bắc Nam trùng đường Hồ Chí Minh

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội, các dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng dài 58 km, Bùng - Vạn Ninh dài 51 km, Vạn Ninh - Cam Lộ dài 68 km trùng với hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, cần có phương án xử lý đối với các hạng mục phục vụ phát triển kinh tế khác đã đầu tư trên tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN