Thị trường nội địa: Điểm tựa vững chắc giúp nền kinh tế vượt COVID-19

Việc phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động đã giúp ngành công thương có được nền tảng khá vững chắc trong xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, vượt qua đại dịch COVID-19.
Thị trường nội địa: Điểm tựa vững chắc giúp nền kinh tế vượt COVID-19 ảnh 1Nông dân HTX Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp. Song, dù ở giai đoạn khó khăn nhất, khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nguồn cung hàng hoá thiết yếu và nhu yếu phẩm vẫn đảm bảo, giúp bình ổn thị trường. 

Giữ mạch cung ứng thông suốt

Theo ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến địa phương này trở thành một trong những tâm dịch lớn nhất cả nước.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn, cân nhắc toàn diện các yếu tố, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp để phòng, chống dịch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, gián đoạn sản xuất và đứt gãy chuỗi sản xuất.

[Tuần lễ “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” tôn vinh hàng Việt]

Tuy vậy, với nhiều giải pháp linh hoạt, quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, những mặt hàng chủ lực của Bắc Giang vẫn giữ được đầu ra ổn định.

“Đến thời điểm này, cam-bưởi của Bắc Giang đang được tiêu thụ tốt với giá bán bình quân tương đương, thậm chí cao hơn năm 2020. Các sản phẩm khác như thịt lợn, thịt gà... cũng đang được tiêu thụ ổn định, 100% tiêu thụ trong nước,” ông Phạm Công Toản nói.

Còn theo bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn nỗ lực nối liền chuỗi cung ứng để cung cấp thực phẩm đầy đủ cho người dân.

“Đối với người dân vùng dịch, trứng là thực phẩm thực sự thiết yếu và cần thiết. Do đó, Ba Huân luôn nỗ lực để duy trì chuỗi cung ứng,” bà Phạm Thị Huân cho hay.

Với dệt may - một trong những ngành có lực lượng lao động phổ thông rất lớn, cũng chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ khi dịch bệnh bùng phát ở phía Nam, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất đã ảnh hưởng đến tốc độ giao hàng, gia tăng chi phí khi tái sản xuất trở lại.

Tuy nhiên, bằng các giải pháp nỗ lực duy trì sản xuất “3 tại chỗ,” giữ vững vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cần và giữ chân người lao động, doanh thu của Vinatex đã vượt 30% trong quý 3, lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

“Kinh nghiệm từ sau đợt dịch vừa rồi cho thấy việc làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Do đó ngành dệt may đã có kế hoạch phát triển chuỗi sản xuất từ sợi, dệt nhuộm đến may, tiến tới là nhà cung cấp trọn gói đối với các khách hàng lớn,” ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.

Nâng chất lượng, chinh phục người tiêu dùng

Có thể thấy, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam.

Dù vậy, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Thị trường nội địa: Điểm tựa vững chắc giúp nền kinh tế vượt COVID-19 ảnh 2Điểm bán hàng Việt Nam tại Hà Nam thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài.

“Chúng ta đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đáng chú ý, từ các biện pháp điều hành để thích ứng với dịch bệnh cho thấy việc phát triển thị trường trong nước đã giúp ngành công thương có được một nền tảng khá vững chắc trong xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại; trong phát triển các chương trình thương mại nội địa như: Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Những chương trình này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành Trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường, ngay cả trong tình huống có nhiều địa phương cùng lúc áp dụng giãn cách xã hội.

Với bối cảnh hiện nay, để thích ứng an toàn với dịch bệnh cũng như duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài.

Cùng với đó, doanh nghiệp nhanh chóng tái tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là những ngành thâm dụng cao như da giày, điện tử, chế biến thực phẩm...; xây dựng các chính sách linh hoạt về giờ làm thêm, trả thêm thù lao cho lao động làm việc tại chỗ, hỗ trợ giữ trẻ cho người lao động...

“Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước khi triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ, có kiến nghị kịp thời về những bất cập phát sinh để tránh xảy ra tình trạng cát cứ, ách tắc lưu thông hàng hóa như vừa qua,” ông Ngô Khải Hoàn lưu ý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm và hàng hóa, để từ đó nâng cao sức cạnh tranh và chinh phục người tiêu dùng.

“Chúng ta có thể xây dựng các tiêu chí và lấy quyền lực thị trường để định hướng, yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng,” đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục