Gỡ 'điểm nghẽn' bất ổn tâm lý do dịch COVID-19 cho giáo viên, học sinh

Dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống, tâm lý của hàng ngàn giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Từ thực tế khó khăn đến ảnh hưởng tâm lý  

Theo đánh giá của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, hiện nay về cơ bản, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo yên tâm công tác, chủ động, tích cực ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang các hình thức khác cũng gây tâm lý băn khoăn, lúng túng trong thực hiện, nhất là với giáo viên lớn tuổi, ở vùng khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm. Bên cạnh đó, việc áp dụng đồng thời nhiều hình thức dạy học: Trực tuyến qua các hệ thống phần mềm, qua truyền hình, giao bài qua các ứng dụng trực tuyến, email, giao bài trực tiếp… tạo nhiều áp lực cho giáo viên; việc hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động học tập của học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn.  

Chú thích ảnh
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Lê Vân. 

Ngoài ra, một số giáo viên dạy hợp đồng theo buổi theo tiết trong các cơ sở giáo dục công lập và bộ phận không nhỏ giáo viên các trường ngoài công lập có tâm lý lo lắng khi phải nghỉ dạy, không có thu nhập. Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, hiện nay có 126.853 cán bộ quản lý và giáo viên ngoài công lập các cấp học mầm non, phổ thông. Hiện nay giáo viên hợp đồng lao động ở cấp học mầm non, phổ thông công lập là 38.516 giáo viên, không kể giáo viên hợp động theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.  

Đối với trẻ mầm non, mẫu giáo và lớp 1 phải ở nhà thời gian dài ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe và kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh. Một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật học hòa nhập, trẻ em là con công nhân, người lao động mất việc làm… có nguy cơ chậm phát triển.  

Đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, học qua truyền hình có tác động tích cực đến việc duy trì thói quen học tập, khiến các em linh hoạt, chủ động học tập hơn. Tuy nhiên, ý thức học tập của một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng do tính tự giác chưa cao.

Một bộ phận học sinh rất lo lắng cho việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học. Nhiều kế hoạch về tương lai, lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề lao động bị thay đổi, tác động tiêu cực tới tâm lý, tình cảm của học sinh, sinh viên. Nguy cơ gia tăng tỉ lệ bỏ học, không trở lại trường học khi hết dịch của nhiều học sinh ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Hầu hết cha mẹ học sinh sẵn sàng, tích cực phối hợp với nhà trường, tham gia các buổi hướng dẫn trực tuyến, thực hành cùng con; tham gia đóng góp công sức và kinh phí để khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp… phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức hoạt động giáo dục ở nhà chưa được các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện.

41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến. Nhiều gia đình không có điều kiện để mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến; nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý, giám sát, chăm sóc, hướng dẫn con em mình học tập. Nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng khi cho con em nhập học trở lại tại các trường học được trưng tập làm cơ sở cách ly.  

Cần nhiều giải pháp ứng phó với dịch bệnh kéo dài  

Theo đánh giá của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo trong phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng nguồn học liệu phù hợp với phương thức dạy học trên phương tiện phát thanh, truyền hình.

Bộ cũng chủ động đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp để bảo đảm công tác dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an toàn cho các cơ sở giáo dục; hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm thực hiện dạy học trực tuyến với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chương trình “sóng và máy tính cho em”... Đồng thời, phối hợp các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát, tăng cường quản lý chặt chẽ, ổn định các nguồn thu và thực hiện chính sách miễn giảm học phí để chia sẻ gánh nặng với người học.

Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh, việc tổ chức nhập học và xác nhận nhập học bảo đảm quyền lợi của thí sinh đã đăng ký xét tuyển trong bối cảnh dịch bệnh.  

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề theo hướng tạo thuận lợi nhất cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước quán triệt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn, sẵn sàng bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.

Trước những khó khăn của ngành giáo dục, Đảng đoàn Quốc hội có một số đề xuất, kiến nghị như: Ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể.

Địa phương cần rà soát, đánh giá kỹ thực trạng, khó khăn, vướng mắc về triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh đối với từng địa bàn, từng cấp học, bậc học, loại hình cơ sở giáo dục; chủ động xây dựng phương án, kịch bản, giải pháp tổng thể về tổ chức dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục thích ứng với điều kiện cụ thể, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động dạy học và sự công bằng về điều kiện học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh.

Các ngành liên quan cũng cần ghiên cứu, tổng kết, đánh giá các mô hình, phương thức dạy học ứng phó với đại dịch COVID-19 để có định hướng phát triển phương thức dạy học trực tuyến trong những năm tới, từng bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn, bảo đảm bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo; Triển khai hiệu quả Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và kho học liệu số; bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Đảng đoàn Quốc hội cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phải có giải pháp dạy, học phù hợp cho từng đối tượng học sinh yếu thế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo, khu vực đặc biệt khó khăn, khu vực có nhiều học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số; các em F0, F1 tại khu phong tỏa, khu cách ly; các em học sinh khuyết tật (bị khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ…) đang học tại các trường chuyên biệt; Xây dựng chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại nhà đảm bảo yêu cầu giáo dục an toàn; Có các giải pháp bảo đảm để hoàn thành kế hoạch năm học đúng tiến độ, đạt mục tiêu về chất lượng; đồng thời, có kế hoạch bổ sung, bồi đắp kiến thức cho học sinh ngay khi kiểm soát được dịch bệnh, hướng tới chất lượng cuối cùng cao nhất; Nghiên cứu, tham mưu chính sách, quy định đào tạo “3 tại chỗ” cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.

Đặc biệt, Chính phủ cần bổ sung gói chính sách hỗ trợ đối với các loại hình cơ sở giáo dục, đối với người dạy, người học chịu tác động của đại dịch để tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học; đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục và giáo viên mầm non tư thục; Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối người lao động trong ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lê Vân/Báo Tin tức
Phú Thọ phải chủ động hơn một bước, cao hơn một mức so với tốc độ lây của dịch COVID-19
Phú Thọ phải chủ động hơn một bước, cao hơn một mức so với tốc độ lây của dịch COVID-19

Cùng với kế hoạch ứng phó dịch bệnh, tỉnh Phú Thọ phải “lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị, chủ động hơn một bước, cao hơn một mức so với tốc độ lây của dịch”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN